Bài 3: Sinh kế bền vững cho người dân lưu vực thủy điện
Tăng cường nguồn lợi thủy sản
Ông Cao Huy Bảo - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, cùng với nhiệm vụ sản xuất điện, công tác an sinh xã hội, đảm bảo môi trường trong vùng dự án luôn được đơn vị quan tâm và xem là nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động của công ty.
Để tăng cường nguồn lợi thủy sản và cải tạo môi trường lòng hồ, cải thiện điều kiện sống người dân quanh khu vực lòng hồ, nhiều năm qua, đơn vị thực hiện nhiều đợt thả cá giống. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các chương trình truyền thông cộng đồng; xây dựng nhà đại đoàn kết; chương trình tiếp sức đến trường, đo may áo quần đồng phục cho học sinh các cấp; hỗ trợ khắc phục lũ lụt… và nhiều hoạt động an sinh xã hội khác.
Công tác an sinh xã hội, đảm bảo môi trường trong vùng dự án luôn được các thủy điện quan tâm, xem là nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động của công ty. |
Tương tự, tại dự án Thủy điện Sông Tranh, ông Trần Nam Trung – Giám đốc Công ty chia sẻ, hàng năm Công ty phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My thực hiện chương trình thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2, tạo sinh kế cho người dân trong khu vực với tổng số cá đã thả sau 9 đợt thả (từ năm 2016 đến nay) là 750.000 con. Đơn vị cũng hỗ trợ những phần quà cho nhiều đối tượng trên địa bàn huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong suốt thời gian qua.
Đại diện công ty thông tin thêm, thời gian tới, Công ty tiếp tục duy trì chương trình thả cá giống, đồng thời tổ chức các hoạt động hưởng ứng Đề án Năm bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Phối hợp cùng chính quyền địa phương khảo sát lập kế hoạch sử dụng đất bán ngập lòng hồ, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tạo sinh kế cho người dân, với mục tiêu tạo cho người dân có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài và hỗ trợ cho người dân tổ chức mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2.
Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thông tin, những năm qua Công ty Thủy điện Sông Tranh đã có những hoạt động thiết thực cùng chính quyền huyện hăm lo cho đời sống của người dân, cũng như hỗ trợ kinh phí bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Ca Dong... Đặc biệt, chương trình thả cá giống đã giúp nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
“Chương trình thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 định kỳ hàng năm là hoạt động hết sức ý nghĩa. Với đợt thả cá giống tháng 2/2024 vừa qua, Công ty Thủy điện Sông Tranh và địa phương Bắc Trà My cũng là đơn vị tiên phong hưởng ứng Đề án Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 trên địa bàn tỉnh” ông Tuấn nói.
Chương trình thả cá giống đã giúp nhiều hộ dân nuôi cá lồng trên hồ thủy điện thoát nghèo. (Ảnh: Nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 của người dân trong khu vực) |
Năm 2025, tất cả các huyện có hồ chứa thủy điện đều có mô hình sinh kế bền vững
Để tạo sinh kế bền vững cho người dân lưu vực các hồ thủy điện, tỉnh Quảng Nam đã ban hành riêng Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân tại lưu vực các hồ chứa thủy điện, góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình của Chính phủ triển khai trên địa bàn tỉnh.
Cùng với phát triển thủy điện, kết hợp đa dạng các loại hình, mô hình phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, tạo công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.
Chương trình đặt mục tiêu trong năm 2023 mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 1 mô hình phát triển sinh kế cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 2 mô hình phát triển sinh kế cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện.
“Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả huyện có hồ chứa thủy điện đều có các loại mô hình sinh kế bền vững cho người dân”, ông Bửu thông tin.
Năm 2024, tỉnh Quảng Nam đặt ra mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 2 mô hình phát triển sinh kế cho người dân lưu vực hồ chứa. |
Để đạt mục tiêu đề ra, chương trình đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, năng lực cho chính quyền địa phương, người dân, cộng đồng người dân tại các lưu vực hồ chứa thủy điện; tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình nuôi tại miền núi, đặc biệt là các lòng hồ thủy điện chưa triển khai mô hình nuôi cá lồng bè.
Phát triển đồng thời các dịch vụ để hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng bè như: Dịch vụ cung cấp cá giống, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thức ăn và thú y thủy sản... Hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi cá lồng bè để phát triển các vùng nuôi cá đủ quy mô, số lượng và chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường...
“Tôi tin rằng với những cách làm trên, người dân sống trong trong vực thuỷ điện sẽ có sinh kế bền vững hơn, ổn định hơn, lâu dài hơn. Tôi tin tưởng Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân”, ông Bửu nói.
This browser does not support the video element.
Phát triển du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Tại Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá và tìm ra những thế mạnh về du lịch của các lòng hồ thủy điện. Trên cơ sở đó, lập quy hoạch chi tiết gắn với các quy hoạch tổng thể, quy hoạch kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; đảm bảo quy mô về điểm phát triển du lịch được quy hoạch về trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính bền vững. Sau đó, đề ra kế hoạch kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch gắn với tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên vùng lòng hồ thủy điện. Quảng Nam cũng nghiên cứu đầu tư khai thác các lợi thế trên hồ chứa, phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng, có nhiều sự lựa chọn cho du khách. Đồng thời, khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống của cộng đồng dân cư quanh khu vực lòng hồ thủy điện phục vụ phát triển du lịch. Khai thác tối đa yếu tố về đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa vùng lòng hồ để đưa vào trong những bài hướng dẫn, thuyết minh cho du khách. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường quảng bá xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân, doanh nghiệp tham gia khai thác, tổ chức các hoạt động du lịch tại các điểm du lịch lòng hồ thuỷ điện. |