Thứ năm 21/11/2024 22:01
Bảo tồn và phát triển làng nghề tại Thanh Hoá

Bài 3: Phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng

Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững không chỉ tạo ra nhiều việc làm mà còn giúp địa phương thúc đẩy du lịch cộng đồng.

Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm từ các làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương.

Nâng cao thu nhập cho người dân bản địa

Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang duy trì và phát triển 39 nghề tiểu thủ công nghiệp, với tổng số 8.303 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh.

Trong đó, chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản 4.119 cơ sở; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 1.502 cơ sở; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 780 cơ sở; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 2.054. Các cơ sở đã tạo việc làm cho khoảng 58.405 lao động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đáng chú ý, từ việc phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, kết hợp với phong cảnh tự nhiên, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc phát triển du lịch cộng đồng và đã phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa nâng cao thu nhập cho người dân bản địa, thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển

Tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, nghề dệt thổ cẩm không chỉ là nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống giờ đây là “bàn đỡ” nâng cao thu nhập cho người dân bản địa. Hiện nay, sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề ở xã Lũng Niêm làm ra chủ yếu phục vụ cho khách du lịch đến địa phương thăm các khu du lịch sinh thái, khu du lịch cộng đồng như: Pù Luông, Bản Đôn, Bản Hiêu và Son Bá Mười.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Hà Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm đang tạo việc làm cho hơn 215 lao động, trong đó có 88 lao động là hội viên phụ nữ trực tiếp tham gia dệt thổ cẩm, còn lại là lao động tham gia gián tiếp. Toàn thôn Lặn Ngoài có 71 khung cửi dệt thổ cẩm và 13 điểm trưng bày sản phẩm. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có khoảng trên 600 lượt khách du lịch nước ngoài đến với thôn Lặn Ngoài để tham quan du lịch và mua các sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề. Khách du lịch nước ngoài rất thích và mua nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của làng nghề làm quà lưu niệm. Nhờ có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã khá hơn rất nhiều, lượng khách du lịch đến với làng nghề ngày một đông”.

Bảo vệ sản phẩm làm ra từ các làng nghề

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận, thương mai đối với các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có các sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Đây cũng là một trong những yếu tố nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương; đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có các sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong năm 2023 và đầu năm 2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Trong đó tập trung các mặt hàng như: Quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đồ điện tử, phụ tùng xe máy... Đối với sản phẩm từ các làng nghề truyền thống, tình trạng hàng giả, hàng nhái ít xuất hiện.

Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã triển khai ký cam kết không bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ các sản phẩm từ làng nghề truyền thống.

“Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cũng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường đã lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích, phổ biến pháp luật đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong các làng nghề để nắm được các quy định của pháp luật khi tham gia sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần tự bảo vệ các sản phẩm của mình, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các làng nghề truyền thống” - ông Lê Thế Anh nhấn mạnh.

Giải pháp phát triển bền vững các làng nghề

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho rằng: Để phát triển các làng nghề phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, phải du nhập và duy trì phát triển nghề nghề mới; duy trì và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp hiện có; ưu tiên bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, phải tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ; thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia bình chọn cấp khu vực và cấp Quốc gia. Chỉ đạo, hướng dẫn cấp huyện, các cơ sở sản xuất xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu hàng hóa; đổi mới công nghệ, thiết bị. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho các sản phẩm làng nghề làm ra.

Khách du lịch chọn mua các sản phẩm dệt thổ cẩm của thôn Lặn Ngoài (huyện Bá Thước)

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là những nghề truyền thống, nghề có khả năng phát triển độc lập và các nghề gắn với phát triển du lịch; mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất như chế biến nguyên liệu, trang bị máy móc, các dụng cụ cầm tay tinh xảo, sử dụng các loại hàng hoá và chất liệu mới, kĩ thuật bảo quản, đóng gói sản phẩm để tạo ra sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại, độc đáo về kiểu dáng; đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh như: Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức tham gia các chương trình do các bộ, ngành, hiệp hội chủ trì tổ chức định kỳ; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường bằng các hình thức: Xây dựng trang Website, phát hành các bản tin giới thiệu sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; phát huy vai trò của Trung tâm Khuyến công và tiết kiệm năng lượng về thực hiện chương trình khuyến công Trung ương và địa phương; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp, phát huy hiệu quả sử dụng lao động sau đào tạo.

Có thể thấy, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa các làng nghề truyền thống trên địa bàn phát triển bền vững gắn với du lịch cộng đồng. Thúc đẩy các làng nghề truyền thống phát triển bền vững, người dân địa phương cũng sẽ giữ được nét đẹp văn hóa riêng của từng đồng bào dân tộc, vùng miền; tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Hoàng Minh - Quốc Huy
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội, thương mại trên địa bàn

Lai Châu: Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại

Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Lào Cai: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Thừa Thiên Huế: Thuỷ điện Bình Điền giảm lưu lượng vận hành để cứu hộ vụ tai nạn ở cầu Bình Thành

Hải Phòng: Điều chỉnh vốn các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá

Yên Bái: Công nhận 5 xã của huyện Lục Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024

Lai Châu: Kinh tế tăng trưởng ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

25 sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024

Cá tầm hồ Hòa Bình được đấu giá thành công 150 triệu đồng

Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí

Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường hoa ảm đạm trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế

Cà Mau: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Hội chợ Thương mại - Tiêu dùng ở thị trấn Sông Đốc