Bài 3: Khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng
Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo
Là một trong những “điểm sáng” trong các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hóa chất cho biết, trong những năm qua, việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh được Bộ Công Thương thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, gắt gao, hướng tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Tổng công ty May 10 kê khai thông tin chứng từ xuất khẩu trên hệ thống khai báo của Bộ Công Thương |
Đơn cử, trong lĩnh vực hóa chất, trước đây, nhiều thủ tục ở dạng tiền kiểm, nhưng nay đã chuyển sang hậu kiểm. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính chưa đem lại sự thuận lợi với doanh nghiệp, hoặc cảm thấy không phù hợp đã được loại bỏ, cắt giảm hoặc đơn giản hóa.
“Cục Hóa chất là đơn vị luôn sẵn sàng cùng các đơn vị phối hợp với Vụ Pháp chế cũng như các đơn vị trong Bộ Công Thương để rà soát lại các quy định pháp luật, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong việc tiếp cận với các thủ tục hành chính do Bộ quản lý” - ông Nguyễn Xuân Sinh nhấn mạnh, đồng thời dẫn chứng, trước đây có những thủ tục hành chính theo quy định phải cần tới 5 ngày để giải quyết từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi trả kết quả, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nên thời gian thực hiện chỉ còn 10-15 giây.
Hiện nay, Cục Hóa chất có trên 18 thủ tục hành chính ở cấp độ 3 và cấp độ 4, trong đó có 6 thủ tục triển khai trên hệ thống một cửa quốc gia. Về cơ bản đa số các thủ tục đều đơn giản hóa và giảm tối thiểu những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại những quy định pháp luật để đơn giản hóa hơn, giúp quản lý hóa chất tốt hơn, đồng thời tạo môi trường thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất” - ông Nguyễn Xuân Sinh nói.
Cũng theo Cục Hóa chất, sau hơn 14 năm thực hiện Luật Hóa chất cũng đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay, do đó, Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực hóa chất. Trong quá trình sửa luật, sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế để cải cách hành chính, hiện đại hóa, phù hợp với Việt Nam và các nước phát triển.
Ở góc độ Sở Công Thương, ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương chia sẻ, Sở Công Thương là sở chuyên ngành có số lượng thủ tục hành chính top đầu (nhiều thứ 3) của tỉnh với 119 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Hàng năm, Sở tiếp nhận và giải quyết từ 12.000 đến 13.000 hồ sơ (bình quân 30-35 hồ sơ/ngày).
Lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là mục tiêu và thước đo hiệu quả công tác cải cách hành chính, Sở Công Thương đã tổ chức tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, công dân theo đúng quy định. Hầu hết các hồ sơ tiếp nhận được giải quyết trả trước và đúng hạn.
Đồng thời, tất cả các thủ tục hành chính của Sở Công Thương đều được niêm yết công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.haiduong.gov.vn và được giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của Sở Công Thương xếp hạng thứ 7/18 trong khối các sở, ban, ngành của tỉnh (tăng 9 bậc so với năm 2020).
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục rà soát và đề nghị bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp với các quy định hiện hành, kiến nghị đơn giản hóa thành phần hồ sơ hoặc rút ngắn thời gian giải quyết 10% thủ tục hành chính được rà soát nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của Sở Công Thương.
“Chúng tôi luôn xác định công tác cải cách hành chính là một trong những vấn đề then chốt, "chìa khóa" quan trọng để tháo gỡ những nút thắt cho phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh… đặc biệt trong điều kiện các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hơn nữa, Công Thương còn là một lĩnh vực rộng, nhiều thủ tục hành chính và có đóng góp lớn cho tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (với tỷ trọng trên 80% GRDP)” - ông Trần Văn Hảo khẳng định.
Cùng hòa vào "làn gió" cải cách hành chính, trong những năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện quyết liệt hàng loạt các biện pháp, đặc biệt áp dụng chuyển đổi số để cải thiện dịch vụ và nâng cao chất lượng cung cấp điện. 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Từ tháng 1/2022, EVN đã công bố hệ sinh thái số - EVNCONNECT, hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế, sớm 5 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Cuối năm 2022, đã có trên 92% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; 99,91% các yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, Trung tâm hành chính công, dịch vụ công; tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,37%.
Chất lượng cung cấp điện không ngừng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực điện năng liên tục được nâng cấp trong thời gian qua. Tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.
Các nỗ lực để cải cách các thủ tục về dịch vụ điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (là 1 trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh) của Việt Nam đạt vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.
“Đòn bẩy” tăng khả năng cạnh tranh
Ông Tô Hòa Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, việc Bộ Công Thương chủ trương thúc đẩy cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh với một quyết tâm cao, vì doanh nghiệp, vì người dân đã mang lại nhiều giá trị thiết thực cho môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao nỗ lực này của Bộ Công Thương.
Công cuộc cải cách hành chính của ngành Công Thương thời gian qua đã góp phần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường |
Nhờ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, thời gian làm thủ tục nhanh hơn, qua đó tiết giảm được chi phí, tăng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cho doanh nghiệp trong nước. “Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cũng như doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt” - ông Tô Hòa Nam nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 đánh giá, trên phương diện cải cách hành chính, Bộ Công Thương đã tiến hành liên tục các đợt tinh lọc, cắt giảm và ban hành phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cắt giảm, đơn giản hóa 55,5% điều kiện trên tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong 16 ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
“Có thể nói, công cuộc cải cách hành chính tại Bộ Công Thương trong thời gian qua đã hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn như May 10. Trong giai đoạn thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi các hành lang pháp lý được tinh gọn, thuận lợi sẽ là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường” - ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, trong những năm qua, đặc biệt là thời điểm Covid-19, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến tại các địa chỉ: Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bộ. Đẩy mạnh tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Bộ. Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bộ Công Thương đã có những thành công quan trọng và tích cực từ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho đến việc phân cấp, phân quyền theo chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan bên trong của Bộ và các địa phương rõ ràng hơn về trách nhiệm, tiêu chí… “Nhờ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân đã kịp thời được tháo gỡ; các quy định về thủ tục hành chính được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn đặt ra” - ông Việt đánh giá.
Ông Việt dẫn chứng thêm, theo thống kê, từ năm 2018 về trước, Bộ đã xóa bỏ 420/720 hồ sơ kiểm tra chuyên ngành (trong đó có Formaldehyt của dệt may), 675/1.216 điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa. Năm 2019-2020 có 205 điều kiện kinh doanh được cắt giảm trên nhiều lĩnh vực như: An toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh, kinh doanh kho bãi, xăng dầu hóa chất, gạo, nông thổ thủy sản…
Năm 2022, phòng cấp C/O ở Bộ Công Thương đã chia thời gian linh hoạt để nhận và trả C/O theo các khung giờ cố định thay vì để doanh nghiệp đến nộp và chờ đợi, điều này giảm tải việc phải chờ đợi để nhận C/O, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp đã tiết kiệm thời gian cho hai bên, giảm tiếp xúc trực tiếp nhiều với doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp không cần mua form C/O để in, thay vào đó doanh nghiệp có thể tự in form C/O tại nhà. Việc này cũng giảm được một phần chi phí cho doanh nghiệp và tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng in ấn form C/O hơn so với các form trước đó do Bộ Công Thương cấp phát.
Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho biết, trong thời gian qua, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành diễn ra rất quyết liệt và không thể phủ nhận có những tác động rất tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Hoạt động trong lĩnh vực logistics, vì vậy, chúng tôi có thể quan sát được hoạt động đó gây tác động như thế nào đến nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau” - ông Trần Đức Nghĩa bày tỏ, đồng thời dẫn ví dụ, thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu sản phẩm hóa chất trong thời gian qua có một sự cải thiện vượt bậc, với hầu hết các thủ tục đều thực hiện ở cấp độ 3, cấp độ 4 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và đã giúp ích cho các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp rất lớn, làm giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều thủ tục hành chính khác đã được Bộ Công Thương chủ động cắt giảm. “Đơn cử, thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, có một khoảng thời gian dài, cả ngành dệt may và xã hội sôi sùng sục với thủ tục này nhưng đến nay hầu như không ai còn đề cập đến thủ tục ấy. Bởi vì việc tuân thủ trở nên dễ dàng hơn, chi phí tuân thủ ở mức chấp nhận được” - ông Trần Đức Nghĩa chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận ở góc độ khác, việc tuân thủ điều kiện kinh doanh cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, vì đảm bảo trật tự xã hội, cuộc sống an toàn như điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm, hóa chất, an toàn thực phẩm… Đồng thời, nó còn liên quan trực tiếp và gián tiếp đến ngân sách nhà nước và chính sách quản lý về mặt hàng, thị trường. Bởi đôi khi những hàng rào kỹ thuật có thể giúp bảo vệ thị trường trong nước, sản xuất trong nước trước sức cạnh tranh từ bên ngoài, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) ở trình độ cao.
“Từ năm 2016 đến nay, chúng ta đã cắt giảm rất nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh và sẽ khó có thể cắt giảm thêm. Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng được tuân thủ với chi phí thấp nhất, để chúng tôi dồn nguồn lực của mình vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, từ đó tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và xã hội” - ông Trần Đức Nghĩa đề xuất.
Ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Bộ Công Thương, nhất là cam kết của lãnh đạo Bộ trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận xét, Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong công tác này. Không chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ còn đẩy mạnh công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính.
“Trong các Bộ, Bộ Công Thương chịu sức ép nặng nề, quản lý các lĩnh vực phạm vi rất rộng tạo ra khoảng 2/3 GDP của đất nước. Đồng thời, Bộ triển khai việc này trong điều kiện Việt Nam đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi chúng ta ký kết thực thi các FTA tiêu chuẩn rất cao như: CPTPP, EVFTA… Tuy nhiên kết quả Bộ Công Thương đạt được rất tích cực và có ý nghĩa” - Tiến sĩ Võ Trí Thành nhìn nhận.
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, con đường phía trước còn nhiều chông gai. Việc tham gia các FTA thế hệ mới, đòi hỏi chúng ta phải tạo môi trường cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp cam kết, nhưng đồng thời, vẫn phải hỗ trợ được cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đây là một yêu cầu cao trong thời điểm này. Cùng với đó, trong thực thi điều kiện kinh doanh không đơn thuần là đi tìm những chỗ phát sinh tiêu cực để ngăn chặn, mà cần chuyển sang tư duy thúc đẩy sáng tạo, đổi mới…
Theo ghi nhận của các chuyên gia, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như các chương trình cải cách hành chính, trong đó có việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngành. |