Bài 2: Nỗ lực, đổi mới đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường lớn
Thanh Hóa là tỉnh có lực lượng lao động dồi dào, rất thuận lợi trong việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã quan tâm tới nhiệm vụ duy trì phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp như ban hành các chính sách và các quy định về hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Nhiều chính sách hỗ trợ các làng nghề
Thực hiện Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại (chính sách thực hiện trong giai đoạn 2016-2021), sau 5 năm tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 43,6 tỷ đồng để phát triển các làng nghề.
Nghề đan cói truyền thống ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước |
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 3567/2014/QĐ-UBND ngày 24/10/2014 và Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 05/4/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc quy định thực hiện Chương trình khuyến công địa phương, sau 7 năm thực hiện đã hỗ trợ 16,287 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực: Máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; mô hình trình diễn kỹ thuật, quảng bá sản phẩm trên các kênh thông tin; tham gia hội chợ; tham quan, học tập kinh nghiệm. Chương trình Khuyến công Trung ương đã hỗ trợ 22,8 tỷ đồng, bao gồm các linh vực: Máy móc thiết bị tiên tiến, mô hình trình diễn kỹ thuật.
Ngoài ra, ngân sách tỉnh Thanh Hóa và các huyện, xã trên địa bàn đã hỗ trợ 7 làng nghề để xây dựng hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, rác thải với tổng kinh phí 36,591 tỷ đồng. Cụ thể, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ 7,2 tỷ đồng cho 5 làng nghề để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải; ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 8,366 tỷ đồng để xây dựng cụm làng nghề cơ khí xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc; hỗ trợ 21,025 tỷ đồng để xây dựng cụm làng nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô, huyện Thiệu Hóa.
Sự hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh Thanh Hóa đã giúp các làng nghề truyền thống trên địa bàn vượt qua những khó khăn để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, nhiều sản phẩm chất lượng cao được sản xuất từ các nhà máy có công nghệ hiện hại, đòi hỏi chính những người làm nghề cũng phải đổi mới tư duy, cách làm mới có thể đưa các sản phẩm làng nghề truyền thống vươn ra các thị trường trong và ngoài nước.
Tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm
Ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Để phát triển bền vững các làng nghề truyền thống, từ đó tạo ra nhiều việc làm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã và đang chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Để phát triển thương hiệu sản phẩm cho các làng nghề, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn nói chung, các làng nghề, nghề truyền thống nói riêng.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, hoàn thiện, phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chú trọng thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp, như kết hợp kinh nghiệm truyền thống trong sản xuất với việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường các hội chợ, giúp các sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên địa bàn có nhiều cơ hội giao thương, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm |
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở nghề trên địa bàn tạo lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề, nghề tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm OCOP tại mỗi làng nghề được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Đồng thời, đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề, nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề.
Ngoài ra, Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện việc cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Khuyến khích các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm có tính đặc trưng, có khả năng cạnh tranh, có giá trị kinh tế để đầu tư phát triển bền vững.
Xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển
Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành của Nhà nước, các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nhiều nỗ lực để đưa các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Tại huyện Nga Sơn, nơi nổi tiếng với các làng nghề cói lâu đời, đây cũng là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất của tỉnh Thanh Hóa.
Các làng nghề truyền thống nơi đây gắn với sản phẩm cói, hiện nay đã bắt nhịp với xu thế thị trường, tạo ra các sản phẩm được khách hàng nước ngoài tin tưởng lựa chọn. Một số sản phẩm nổi bật của các làng nghề nơi đây phải kể đến chiếu cói, thảm và đa dạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc tạo thu nhập cho lao động trong làng nghề, nghề cói cũng đã đóng góp trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tệ nạn xã hội và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Chị Mai Thị Lan, đại diện Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang (Công ty Việt Trang) cho biết: Nga Sơn là huyện có truyền thống làm cói lâu đời, có thương hiệu riêng, thêm đó là với nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công tại chỗ sẵn nên nghề này đang có nhiều lợi thế.
“Trước đây, làng nghề chúng tôi chỉ bán nguyên liệu cói nhưng sau này do cơ chế thị trường, nhu cầu khách hàng thay đổi nên hiện giờ chúng tôi đã thay đổi chiến lược, tạo ra nhiều sản phẩm từ cói như chiếu, thảm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng cho đời sống hàng ngày và trang trí. Hiện tại, các sản phẩm cói của làng nghề được khách nước ngoài ưa chuộng; chúng tôi xuất khẩu lên đến 70%, 30% còn lại là trong nước. Đa phần chúng tôi xuất khẩu đi thị trường châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Rất nhiều các công ty khác đặt hàng chúng tôi sản xuất rồi lại xuất khẩu đi nước ngoài. Những lần cao điểm chúng tôi có khoảng 1.000 lao động, mang lại thu nhập cao cho công nhân và lao động địa phương” – chị Mai Thị Lan cho hay.
Chị Mai Thị Lan, đại diện Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang cho biết: Các sản phẩm làm từ cói của công ty đã xuất khẩu khoảng 70%, còn lại 30% tiêu thụ trong nước |
Hiện tại, Công ty Việt Trang đang bán hàng trên các nền tảng số như Website, các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu các sản phẩm đi tiêu thụ nước ngoài, đại diện Công ty Việt Trang mong muốn được hỗ trợ, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp có được môi trường tốt nhất để phát triển.
Còn ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty Chế biến Xuất khẩu cói Việt Anh, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn cho biết, các sản phẩm của doanh nghiệp 100% là xuất khẩu đi nước ngoài, các đợt xúc tiến thương mại ngoài nước công ty đều tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Tôn cũng mong muốn được hỗ trợ vốn trong các đợt xúc tiến thương mại nước ngoài sắp tới, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển hơn nữa; mang lại những giá trị thiết thực cho doanh nghiệp, cộng đồng và góp phần nâng tầm làng nghề truyền thống Việt Nam. Mong muốn của ông Phạm Minh Tôn cũng là mong muốn của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Nga Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Bài 3: Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng