Bài 2: Gỡ nhanh nút thắt, khai thông vốn vay cho doanh nghiệp
Khai thông vốn vay, hàng loạt chính sách được kích hoạt
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn về tín dụng, cần tiếp tục hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 02) của NHNN Việt Nam. Nhanh chóng triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng.
Nhiều ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay và đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp (ảnh minh họa) |
Ngay sau khi Thông tư 02 được ban hành, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kịp thời đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện và yêu cầu khẩn trương xây dựng và ban hành các quy định nội bộ về tiêu chuẩn đánh giá khách hàng và triển khai ngay gói hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả nợ trong thời gian sớm nhất. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ theo dõi công tác triển khai thực hiện Thông tư 02 của các tổ chức tín dụng, kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh, đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc về hoạt động tín dụng khi triển khai thông tư này (nếu có).
Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy hiện nay lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới đã giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022, trong khi lãi suất cho vay phát sinh mới tương ứng giảm 0,65%/năm.
Thực tế hàng loạt ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay và đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp khác nhau như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp xuất khẩu…Hệ thống Vietcombank giảm tới 0,5%/năm lãi suất đối với các khoản vay VNĐ cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 3 tháng, từ ngày 1/5/2023 đến hết 31/7/2023 (không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản…).
Hệ thống Agribank cũng công bố chương trình tín dụng giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay bằng VNĐ và 1%/năm cho khoản vay bằng USD, áp dụng từ ngày 15/3 đến hết tháng 6/2023. Ngoài ra, mới đây Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết 30/9/2023.
Ngân hàng HDBank gần đây nhất đưa ra chương trình ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp xuất khẩu với mức lãi suất hiện hàng từ 6.4%/năm đến 7.4%/năm tùy vào kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng.
Còn ngân hàng Eximbank đã giảm lãi suất từ tháng 5/2023 cho các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp SME ở mức 1% kỳ hạn 3 tháng so với thời điểm cuối 2022 và giảm 1.3% ở kỳ hạn 6 tháng.
Giảm lãi suất nhưng tiếp cận vốn vẫn khó - Lời giải nào?
Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng đã có nhiều biện pháp tháo gỡ trong thời gian gần đây nhưng doanh nghiệp vẫn than khó không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, nhất là các doanh nghiệp SME. Đó là lý do tại sao một số chính sách được triển khai như gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách, nhưng tốc độ giải ngân còn khiêm tốn.
Nhiều doanh nghiệp SME vẫn khó tiếp cận vốn cần nhiều giải pháp khai thông |
Theo ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đánh giá: sau 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp Việt rất khó khăn đáp ứng điều kiện để tiếp cận vốn. Tất cả tài sản, nhất là bất động sản đều đi xuống, như vậy đánh giá lại tài sản bảo đảm tụt thì rõ ràng tụt dư nợ. Để giải quyết khó khăn này theo ông Phạm Xuân Hòe trong gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất thì nên chuyển thành 2 quỹ: một là quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp SME Việt Nam, xem xét bảo lãnh tín chấp. Còn các nghị định và thông tư hiện tại vẫn đòi hỏi bảo lãnh có tài sản thế chấp thì người ta đi vay ngân hàng còn hơn cộng thêm 2% phí bảo lãnh.
Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Việc giảm lãi suất phổ biến ở mức 0,3 - 0,5%/năm chỉ mang tính hình thức. Giảm ở đây phải có ý nghĩa, 2 - 4% dựa trên kết quả kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dựa trên huy động đầu vào của ngân hàng và ngân hàng nên tính toán lại để hài hòa mức lợi nhuận và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thiếu nguồn vốn, nhưng đất thì đi thuê, ngân hàng không cho đảm bảo bằng tài sản. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện nhưng chỉ ký hợp đồng cho thuê đất 5 năm một. Đó là điều kiện khó mà ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo. Giải quyết khó khăn này, ngân hàng cần linh hoạt xem xét nếu không có tài sản đảm bảo có thể dùng các hợp đồng đặt hàng của các công ty, tức là nghiêng về tín chấp nhiều hơn, như vậy có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ doanh nghiệp Hạnh Phúc tại Đồng Nai cũng cho rằng ngân hàng cần linh hoạt hơn trong việc xem xét định giá tài sản như trường hợp tài sản của doanh nghiệp nằm trong quy hoạch treo không biết đến bao giờ nhưng doanh nghiệp chỉ cho vay khoảng 10% giá trị tài sản khiến doanh nghiệp càng khó khăn.
Ông Lưu Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên cũng phân tích: Các chính sách của Chính phủ dành cho doanh nghiệp thời gian qua rất tốt nhưng còn tùy đối tượng áp dụng. Các chính sách giảm thuế, giảm lãi suất với doanh nghiệp cần mang tính hỗ trợ thực sự vì nếu mức giảm lãi quá thấp chỉ khoảng 0,5% thì cũng không hiệu quả. Vì trước đây doanh nghiệp vay khoảng 10,8% hiện nay giảm lãi còn 10,03%/năm trong khi mức lãi doanh nghiệp đặt mục tiêu cho năm nay khoảng 10% thì dù lãi suất vay có giảm như mức trên thì doanh nghiệp vẫn thua lỗ. Vì thế để khai thông vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay thì biên độ giãm lãi vay cần nới rộng hơn mới thực sự phát huy hiệu quả, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Ban Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố kết quả khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp, cho thấy có hơn 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng sản xuất kinh doanh trong các tháng còn lại của năm nay. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Ban IV đề xuất kéo dài thời hạn các chính sách đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh, bao gồm: giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2025, thay vì chỉ hết năm 2023. Ngoài ra, chi phí lao động cần được giảm; tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan BHXH, kinh phí Công đoàn hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp bối cảnh mới. |