Bài 2: Cần hài hòa phát triển đô thị với giữ “lá phổi xanh”
Chính vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, cân nhắc trong việc phát triển đô thị gắn với giữ diện tích ao, hồ còn lại.
Cần cân nhắc việc “bức tử” ao, hồ khi lập quy hoạch
Những năm qua, tại Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí đang lên ở mức cao nhưng lại đang rất thiếu không gian xanh, mặt nước để điều hòa không khí, giảm mức ngột ngạt cho đời sống đô thị. Thế nhưng, thực trạng đáng lo ngại là nhiều diện tích ao, hồ đã bị lấp hoàn toàn và thế vào đó là những “rừng bê tông” mọc lên. Với những ao hồ còn lại, diện tích ngày càng bị thu hẹp do bị lấn chiếm xây dựng trái phép hoặc kè bờ,...
Rác thải đổ ngập một phần hồ Ngòi – Cầu Trại gây ô nhiễm môi trường |
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ –Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho rằng, trong quy hoạch tổng thể của một địa phương, một vùng bao giờ cũng chỉ rõ mục đích của ao, hồ này để làm gì? Quy hoạch là bài toán tổng thể và cơ quan quản lý nhà nước cũng đã xem xét, cân nhắc mặt lợi và hại để quyết định là lấp hay không? Quy hoạch toàn diện để nhìn một cách khách quan nhất, toàn diện nhất phải kể đến vấn đề môi trường, phòng chống thiên tai, chất lượng cuộc sống.
Một phần hồ bị san lấp để phục vụ mục đích kinh doanh gara ô tô |
Thế nhưng, thực trạng đáng báo động là hiện nay các ao, hồ bị lấy cớ để san lấp phục vụ mục đích công cộng như làm công viên, chợ dân sinh,... Tuy nhiên, sau một thời gian với lý do hoạt động không hiệu quả nên chính quyền hoặc doanh nghiệp đề xuất chuyển đổi mục đích sang phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở.
Bàn luận về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích: “Đây là những cách mà Hà Nội vẫn hay làm khi điều chỉnh quy hoạch vô tội vạ. Bởi vì cái đó là phải điều chỉnh, phải có quyết định điều chỉnh quy hoạch. Trước đây làm cái này, cái kia là cần phải có đất, một thời gian sau lại nói rằng làm cái này không hiệu quả, xin chuyển mục đích sử dụng rồi cấp quận, huyện tự phê duyệt. Chính vì vậy, có một vấn đề lớn của Hà Nội ở đây là tại sao điều chỉnh quy hoạch lại dễ như vậy?”.
Những nhà cấp 4 đang bức tử lòng hồ Ngòi – Cầu Trại |
Câu chuyện điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở Hà Nội luôn là chủ đề nóng và tốn nhiều giấy mực của báo chí. Gần đây nhất, thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm khi điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương. Hàng loạt vấn để sai phạm được chỉ ra khi nhà chung cư dễ dàng được điều chỉnh tăng chiều cao, mật độ xây dựng và tăng cơ cấu dân cư, trong khi đó diện tích đất cây xanh, mặt nước thì bị thu hẹp.
“Quy định của pháp luật về điều chỉnh quy hoạch hiện nay đang có vấn đề, khi cấp nào phê duyệt thì cấp đấy lại được điều chỉnh. Về nguyên tắc, như một số nước trên thế giới quy định muốn điều chỉnh quy hoạch thì phải cấp trên của cấp phê duyệt quy hoạch mới được phê duyệt điều chỉnh. Tức là phải được xem xét ở cấp cao hơn, chứ không phải cấp được phê duyệt.
Vậy nhưng ở nước ta vừa có thể phê duyệt, vừa có thể điều chỉnh, vì thế việc quản lý quy hoạch ở đây có vấn đề. Việc sau phê duyệt dự án này xong rồi khi có đất thì lại xin chuyển sang dự án loại khác, là chuyện như cơm bữa ở Hà Nội cũng như các tỉnh khác”, GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra vấn đề cốt lõi trong thực hiện quy hoạch ở nước ta.
Đó là thực trạng của những diện tích ao hồ đang hiện hữu, còn đối với những công trình hồ nhân tạo theo quy hoạch sẽ được xây dựng cũng phần lớn đang “nằm trên giấy”. Nhiều khu đô thị, khu nhà ở với những tòa nhà cao ốc được phê duyệt ồ ạt. Thế nhưng, khi những tòa nhà cao tầng mọc lên với mật độ dân cư dày đặc thì diện tích đất mặt nước dù có trong quy hoạch, nhưng đa số các chủ đầu tư không quan tâm đến việc thi công và bỏ đất hoang hóa.
Hoặc, có chăng những đồ án quy hoạch được chính chủ đầu tư vẽ ra đã được phê duyệt và theo dự kiến có các hồ nhân tạo nhưng thực tế lại ở những vị trí đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những hàng loạt lý do mà chủ đầu tư cho rằng, họ chưa thể triển khai được các công trình công cộng theo quyết định phê duyệt.
Cần ưu tiên kiến trúc xanh trong phát triển đô thị
Những năm qua, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng san lấp nhiều ao, hồ lớn để làm các dự án nhà ở hay dự án về hạ tầng. Thế nhưng, việc này đã vấp phải nhiều ý kiến phản ứng của người dân, dư luận như tại Hà Nội, TP.HCM. Vấn đề này cũng đã lên tận nghị trường Quốc hội và sau đó Quốc hội đã yêu cầu không được làm chuyện đó. Tại TP.HCM, có chủ trương cho khơi lại những dòng kênh, những nơi vừa bị san lấp làm hạ tầng. Còn Hà Nội thì mới có chủ trương dừng lại ở việc không đưa vào quy hoạch để san lấp.
Đầm Đỗi thuộc quận Hoàng Mai đang từng ngày bị bức tử bởi phế thải xây dựng |
Theo ý kiến của các chuyên gia, vấn nạn xẻ thịt những “lá phổi xanh” đi ngược lại xu hướng kiến trúc xanh lấy cây cối và mặt nước làm yếu tố chính. Đặc biệt, trong quy hoạch Hà Nội mở rộng lấy tâm điểm phát triển là bảo vệ đất mặt nước. Về nguyên tắc, quy hoạch đã nói rõ không được lấp mặt nước mà thậm chí còn phải tạo thêm đất mặt nước. Bởi vậy, trong công tác lập quy hoạch phát triển đô thị ưu tiên kiến trúc xanh là đặc biệt quan trọng và cần được các cấp chính quyền Hà Nội quan tâm, đánh giá một cách toàn diện.
Các chuyên gia quy hoạch đều khuyến cáo, phát triển đô thị cần phải giữ lại được mặt nước là điều tốt nhất, cùng với đó chúng ta cũng phải cải tạo những ao hồ hiện hữu. Trong sự phát triển đô thị, chúng ta còn phải tính đến phương án như thiết kế trong những khu đô thị phải có nhiều đất mặt nước hơn nữa để tạo ra khoảng xanh cho thành phố. Như hiện giờ, khu vực phía Tây còn nhiều đất nông nghiệp thì sẽ có nhiều khoảng không gian để tạo thêm những hồ lớn trong vùng xanh Hà Nội. Dù có rất nhiều hồ nhân tạo lớn sẽ được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, thế nhưng sự thật đến nay những công trình ấy vẫn là điều xa xỉ đối với người dân thành phố.
Bàn về giải pháp để diện tích ao, hồ không còn tình trạng ngày càng bị thu hẹp như hiện nay, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, tất cả đất mặt nước bây giờ đều cần phải bảo vệ, không được san lấp. Cùng với đó, Hà Nội phải thanh tra, kiểm tra, xử lý theo ý kiến phản ánh của người dân.
“Vẫn còn tình trạng san lấp ao hồ thì tôi cho rằng, chắc không phải các dự án lớn cấp thành phố mà chủ yếu là các dự án của quận, huyện. Thế nhưng, cấp thành phố thì không chịu nhìn xem cấp quận, huyện họ làm thế nào”, GS. Đặng Hùng Võ chỉ rõ vấn đề tồn tại trong công tác quản lý, xử lý vi phạm lấn chiếm ao hồ ở Thủ đô.
Một vấn đề khác cũng cần đặt ra là đối với những khu vực ao hồ đã bị san lấp, lấn chiếm thì cần phải phục hồi mặt nước trở về ban đầu, chứ không phải trót san lấp rồi thì cứ bỏ qua. Cùng với đó, cần tăng cường vai trò lãnh chỉ đạo, giám sát của các cấp ngành thành phố, đồng thời cơ quan thanh tra cần phải vào cuộc làm rõ trách nhiệm nếu các cấp quản lý không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Theo nhận định của các chuyên gia, xã hội càng phát triển sẽ tranh chấp với môi trường rất lớn, chính vì thể để giữ được ao hồ trong thời buổi đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay là bài toàn khó nhưng phải làm. Bởi vậy, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng và vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước để phát triển đô thị phải song hành với đảm bảo môi trường sống.