Bài 2: Cần giải pháp dài hạn cho tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng
Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hoạt động quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ quan chức năng hiện gây nguy cơ tác động ảnh hưởng đến môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đặc biệt đối với các mặt hàng có nguy cơ gây mất an toàn như xăng dầu, khí đốt, các mặt hàng có thành phần, tính chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
Nguyên nhân do thực tế hiện nay các địa phương cũng như các cơ quan chức năng chưa có quy hoạch, chưa có kho tàng, nơi lưu giữ chuyên dụng để bảo quản và quản lý từ khi xử lý thu giữ cho đến thời điểm đưa đi xử lý tiêu hủy.
Các hàng hóa là hàng giả, hàng kém chất lượng có nhiều hóa chất độc hại như dược phẩm, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật… qua thời gian và dưới tác động của thời tiết, nhiệt độ và tính chất hóa học của hàng hóa rò rỉ các chất độc hại vào môi trường đất, ngầm dần ra môi trường nước gây ô nhiễm nguồn nước bề mặt, nước ngầm và quá trình lưu kho bãi không có kho bãi chuyên dụng cho từng mặt hàng dẫn đến một số mặt hàng sẽ gây ô nhiễm dưới dạng bụi, hơi có thể lan truyền trong không khí gây ô nhiễm môi trường.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng |
Rất nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng có khả năng bay hơi và thăng hoa như nhóm hàng xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta các chất độc hại có thể vận chuyển đến những khoảng cách xa, đóng góp phần lớn vào việc ô nhiễm môi trường không khí.
TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam chia sẻ: Hoạt động tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng của các lực lượng chức năng trên thực tế cũng gây tác động ảnh hưởng tới môi trường, nhất là việc xử lý tiêu hủy tại các bãi lộ thiên phổ biến hiện nay mà không có đánh giá tác động môi trường cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường
“Một phần nguyên nhân được cho là tại nhiều địa phương chưa có nhà máy, cơ sở xử lý chất thải và chất thải nguy hại đáp ứng được việc xử lý tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, công tác quản lý và xử lý tiêu hủy các mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm nói riêng và hàng giả, hàng kém chất lượng nói chung còn rất lúng túng, gặp khó khăn do quy định kiểm định, giám định hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông thị trường.
Đặc biệt là đối với hàng hóa có nhiều chủng loại, trị giá thấp nhưng chi phí kiểm định cao, quy trình kiểm định phức tạp. Một số nhóm mặt hàng như xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật… được xếp vào chất thải nguy hại cần có một quy trình cụ thể, thống nhất riêng cho từng nhóm hàng trong quá trình quản lý, tiêu hủy đảm bảo môi trường.
Thực tế hiện nay cho thấy, một số địa phương bãi chôn lấp không đảm bảo môi trường, quá trình chôn lấp không hợp vệ sinh. Ngoài ra, hàng giả, hàng kém chất lượng được làm từ các chất có thời gian phân hủy dài như nhựa, vải, sắt, inox, đầu lọc thuốc lá nếu tiêu hủy bằng hình thức đốt, chôn lấp tại bãi rác lộ thiên dẫn đến môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng.
“Hoạt động xử lý tiêu hủy bằng phương pháp đốt sẽ tạo ra khí thải phát tán ra môi trường, nhất là xử lý đốt lộ thiên ở ngoài, đốt ở lò đốt công nghệ cũ th khí thải ô nhiễm thải ra môi trường là rất lớn. Một lượng lớn các chất hóa học, các chất độc hại được phát tán ra ngoài không khí, vào bầu khí quyển”- ông Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Kinh nghiệm thế giới
Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới phần lớn đã xây dựng được một hệ thống pháp lý đồng bộ và chi tiết, được chính quyền các cấp ban hành nhằm quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng.
Về việc xác định hàng giả, hàng kém chất lượng, trong các đạo luật được đề cập, việc xác định hàng giả hầu hết được đưa vào nhóm hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý.
Ông Ngô Đức Thanh- Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương chi biết: Quy định hàng kém chất lượng cũng không có sự khác biệt nhiều giữa các quốc gia. Với một số quốc gia khác, quy định pháp lý về quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng được công bố bởi Bộ quản lý chuyên ngành, tùy thuộc vào loại hàng hóa bắt buộc phải tiêu hủy.
Về mặt chính sách, phần lớn các chính sách liên quan chặt chẽ với chính sách quản lý chất thải và bảo vệ môi trường của từng quốc gia với mục tiêu giảm thiểu chất thải cũng như các hành động thúc đẩy tái sử dụng, sửa chữa và tái chế…
Đơn cử như Liên minh châu Âu (EU) khuyến khích việc tiêu hủy hàng vi phạm nhằm mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường nên hàng hóa vi phạm thường được bóc tách các vật liệu có thể tái chế, loại bỏ chất nguy hại cho môi trường trước khi được đưa đi thiêu đốt, chôn lấp.
Một số quốc gia trong EU như Hà Lan, Tây ban Nha có một số quy định cho phép thanh lý, bán lại hoặc quyên góp từ thiện với điều kiện hàng hóa vi phạm phải xóa bỏ nhãn hiệu được gắn bất hợp pháp.
Các quy định, biện pháp về tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng của các quốc gia thường gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Việt Nam đang thiếu hành lang pháp lý cho tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ môi trường |
Đối với hàng giả, hàng kém chất lượng buộc phải tiêu hủy, các cơ quan chịu trách nhiệm phải tuân thủ nguyên tắc xử lý theo quy định của pháp luật, nguyên tắc xử lý vô hại, tránh gây ô nhiễm thứ cấp trong quá trình tiêu hủy. Có biện pháp xử lý chất thải còn lại bằng cách chôn lấp đơn giản, chất đống lẫn lộn hoặc đổ vào mạng lưới rác thải đô thị.
Mục tiêu của công việc là cải thiện hơn nữa cơ chế tiêu hủy đã phân loại đối với hàng vi phạm và hàng giả, nâng cao hơn nữa mức độ tiêu hủy vô hại và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngoài ra một số nước gắn việc xử lý tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng tương tự như xử lý và tiêu hủy chất thải, trong đó có biện pháp phân loại, tái chế nhằm tận dụng tài nguyên và giảm thiểu ô nhiệm môi trường
Cần có những giải pháp mang tính lâu dài
Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về quy trình, phương pháp thực hiện tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất ban hành hướng dẫn việc tổ chức thực hiện tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Ngô Đức Thanh đề xuất : Cần sớm ban hành Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ quy định chi tiết cụ thể về quản lý và xử lý, tiêu hủy hàng giả hàng kém chất lượng phù hợp với bối cảnh mới, trong đó cần phân công tổ chức thực hiện, quy định rõ về cơ chế phối hợp của các lực lượng chức năng và cơ quan quản lý chuyên ngành, các điều kiện để triển khai. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ là cơ sở cho các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng của các Bộ, ngành và địa phương thống nhất căn cứ thực hiện
Bên cạnh đó, để đảm bảo cơ sở hệ thống xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hoạt động quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng, Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp xử lý môi trường đầu tư các hệ thống xử lý chất thải với công nghệ tiên tiến hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải nói chung cũng như nhu cầu tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng tại các địa phương nói riêng;
Song song với đó, cần xem xét tái sử dụng, tái chế một số mặt hàng để tiết kiệm tài nguyên, đồng thời giảm tác động đến môi trường của việc tiêu hủy. Đối với hình thức xử lý tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng bằng hình thức chôn lấp, để hạn chế giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng, doanh nghiệp xử lý tiêu hủy cần sử dụng công nghệ xử lý và phương pháp chôn lấp phù hợp đảm bảo hợp vệ sinh tại các bãi CTRSH có phê duyệt ĐTM được Bộ TNMT cấp phép.
Ngoài ra, cần có quy hoạch xây dựng kho bãi lưu giữ hàng hóa chuyên dụng theo nhóm hàng, có quy định về phân loại hàng giả, hàng kém chất lượng để có biện pháp quản lý, xử lý tiêu hủy phù hợp.
Mặt khác, Chính phủ và các Bộ, ngành cần xem xét rà soát hệ thống chính sách, xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động quản lý, xử lý tiêu hủy đối với từng nhóm hàng giả, hàng kém chất lượng đảm bảo yêu cầu BVMT để các cơ quan chức năng có liên quan thống nhất áp dụng thực hiện, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay.