Bài 2 - Bộc lộ nhiều bất cập sau sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp
Sau sắp xếp, đổi mới - danh sách người lao động nghỉ việc ở các công ty lâm nghiệp ngày một dài hơn, nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng dự báo đang bị lung lay dữ dội. Nguyên nhân là do mô hình quản lý còn nhiều bất cập, không được bố trí đủ kinh phí để hoạt động, sản xuất kinh doanh bị trì trệ, bết bát, bộ máy làm việc tỏ ra cồng kềnh, thiếu hiệu quả...
Thiếu vốn sản xuất, gánh thêm bộ máy cồng kềnh
Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, ở tỉnh Đắk Lắk đang quản lý bảo vệ hơn 21.000ha rừng và đất rừng. Sau khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, tổng nguồn thu của đơn vị chỉ là 6,5 tỷ đồng từ tiền dịch vụ chi trả môi trường rừng.
Người lao động làm việc trong môi trường khổ cực, lắm gian truân nguy hiểm ở các công ty lâm nghiệp nhưng chế độ lương bổng thấp |
"Với tổng nguồn thu trên đơn vị đã sử dụng giao khoán cho các hộ dân là 800 triệu đồng. Số tiền 5,7 tỷ đồng còn lại thì trả lương cho 60 cán bộ công nhân viên, đóng nộp tiền bảo hiểm xã hội đã ngốn hết 5,1 tỷ đồng. Như vậy, công ty chỉ còn khoảng 700 triệu đồng sử dụng cho nhiều hoạt động như chi thường xuyên, văn phòng phẩm, xăng xe, thuế môn bài..." - ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông cho biết.
Theo ông Tuấn, sau khi sắp xếp, đổi mới, doanh nghiệp chưa được bố trí khoảng 25 tỷ đồng vốn điều lệ như đề án thành lập để xây dựng vườn ươm cây giống trồng rừng, xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng... Do không có vốn nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị khá èo uột, chỉ trông chờ vào tiền dịch vụ môi trường rừng để cầm cự, duy trì hoạt động trả lương cho người lao động.
Ngoài việc không được bố trí đủ vốn điều lệ để sản xuất kinh doanh thì các công ty lâm nghiệp trên Tây Nguyên được cho là đang gánh thêm bộ máy cồng kềnh. Trung bình các công ty có từ 40-60 người với tổng kinh phí hàng năm khoảng 10 tỷ đồng chủ yếu sử dụng vào việc chi trả lương.
Hoạt động sản xuất èo uột, lương bổng thấp nên danh sách người lao động nghỉ việc ở các công ty lâm nghiệp tại Tây Nguyên ngày một dài hơn |
Mặt khác hầu hết các công ty lâm nghiệp tại Tây Nguyên chỉ hoạt động đơn thuần là quản lý bảo vệ rừng. Nếu có sản xuất kinh doanh thì cũng siêu nhỏ. Trong bối cảnh làm ăn bết bát thì bộ máy làm việc còn tỏ ra quá cồng kềnh.
Theo đó, công ty lâm nghiệp chỉ cần có kế toán, chưa cần bố trí vị trí kiểm soát viên. Thậm chí, kiểm soát viên còn là "gánh nặng" vì chuyện lương thưởng, chi phí cho vị trí này là khá lớn, trong khi nguồn kinh phí lại rất hạn hẹp. Ngoài vị trí giám đốc, chủ tịch công ty là chức danh có vị trí cao nhất trong các công ty lâm nghiệp. Chủ tịch công ty giữ vai trò đại diện pháp lý về vốn của chủ sở hữu và là người được hưởng lương, các chế độ hậu hĩnh nhất trong đơn vị.
Điều đáng nói, nguồn trả lương là từ kết quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các công ty lâm nghiệp này đều âm vì thiếu vốn hoạt động.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thừa nhận: "Bộ máy quản trị cũng bất hợp lý, doanh nghiệp phải có chủ tịch hội đồng quản lý, giám đốc, kiểm soát viên. Việc này sẽ dôi dư ra vị trí chủ tịch hội đồng và kiểm soát viên. Bởi vì các công ty lâm nghiệp hiện nay cũng chỉ làm việc công ích mà thôi. Còn mảng sản xuất kinh doanh của họ chưa lớn, chưa nhiều, do đó chưa cần thiết".
Sau sắp xếp, đổi mới, các công ty lâm nghiệp trên Tây Nguyên chưa được bố trí đủ nguồn vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh |
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phan Bá Nhã, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đại Thành ở tỉnh Đắk Lắk cho rằng: "Hoạt động kinh doanh của đơn vị chẳng có gì, đơn vị chủ yếu làm nhiệm vụ công ích giữ rừng, nguồn thu chưa đủ trả lương cho người lao động, Thế nhưng, hàng năm công ty vẫn phải “còng lưng” đóng nộp các khoản ngân sách trên 150 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng, tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…".
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, đối với nguồn kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên, theo Luật Lâm nghiệp rồi kể cả Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ rừng tự nhiên (rừng sản xuất) trong giai đoạn không khai thác, sử dụng thì Nhà nước có trách nhiệm đầu tư kinh phí, hoặc đặt hàng cho các công ty lâm nghiệp để họ quản lý, bảo vệ rừng.
Hiện nay, kinh phí cấp cho các công ty lâm nghiệp quản lý bảo vệ rừng đã tăng lên 300 ngàn đồng/ha/năm. Thế nhưng, nguồn kinh phí này chưa đáp ứng được 30% so với thực tế.
Trong bối cảnh rừng mất thì lại thiếu cán bộ quản lý bảo vệ rừng |
Mai còn ai giữ rừng?
Trong khi rừng đang bị tàn phá, người bảo vệ rừng vốn đã “yếu” và thiếu thì nay lại có hàng loạt cán bộ, nhân viên xin nghỉ việc. Trao đổi về việc này, anh Nguyễn Ngọc Anh, một người lao động từng làm việc cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông chia sẻ: “Sau khi bị bắn, tôi đã cố gắng bám trụ với nghề nhưng "sức cùng, lực kiệt" nên làm đơn xin nghỉ việc".
"Là người trực tiếp bảo vệ rừng nhưng khi bị thương tật thì không có chế độ gì, còn nếu để xảy ra phá rừng thì quy trách nhiệm người quản lý khu vực đó. Tệ hơn, người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đi tù. Áp lực rất lớn nhưng lương chỉ có ba đồng ba cọc thì không thể gắn bó được” - anh Ngọc Anh cho hay.
Không riêng gì anh Ngọc Anh, theo ông Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông - vài năm qua, toàn đơn vị có hơn 30 người xin nghỉ việc.
"Có những người đã làm việc 16 năm nay. Mặc dù rất tiếc vì đã tham gia đóng bảo hiểm nhiều năm rồi nhưng do quá khổ cực, phải làm việc 24/24h, thường xuyên đối mặt với nguy hiểm ở nơi rừng thiêng nước độc, nhưng lương bổng thì rất thấp nên họ không thể cống hiến thêm được nữa” - ông Tuấn ngậm ngùi.
Đã có không ít cán bộ quản lý bảo vệ rừng phải đổ máu, mang thương tật vị bị lâm tặc tấn công |
Một thực trạng nữa là nhiều nơi rừng đang bị lâm tặc nhòm ngó, sẵn sàng tàn phá bất cứ lúc nào. Thế nhưng, thay vì có một lực lượng sẵn sàng "chiến đấu" với lâm tặc thì nhiều cán bộ quản lý bảo vệ rừng lại “xin hàng” để rời khỏi ngành lâm nghiệp, thoát khỏi áp lực giữ rừng, tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để mất rừng. Đáng buồn hơn là một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo đơn vị, chủ rừng không nghỉ việc nhưng lại chuyển sang "hàng ngũ lâm tặc". Chính họ đã móc nối, tiếp tay hoặc trực tiếp đi phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Cách đây vài năm, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, Đắk Nông sa sút trầm trọng. Trong đó, vụ phá rừng tai tiếng nhất xảy ra tại tiểu khu 1680, khiến gần 15ha rừng bị tàn phá. Đối với vụ phá rừng này có sự tiếp tay, nhận hối lộ của cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. Đỉnh điểm của sự khủng hoảng của công ty là nhiều cán bộ, lãnh đạo, nhân viên bị kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2022 đã có 141 kiểm lâm, lực lượng làm việc ở Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và ở các công ty lâm nghiệp Nhà nước xin nghỉ hưu, chuyển công tác và đặc biệt là bỏ việc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Dần thừa nhận, do áp lực công việc lớn, tần suất làm việc cao trong môi trường rừng nguy hiểm nhưng lương bổng lại rất thấp… chưa đáp ứng được nhu cầu của bản thân và gia đình. Do đó, đã có nhiều người xin nghỉ việc để chuyển sang môi trường khác để có thêm thu nhập và có thời gian chăm sóc gia đình.
Công việc giữ rừng khó khăn nên công tác đào tạo cho ngành lâm nghiệp ở Tây Nguyên cũng có dấu hiệu thoái trào. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường đại học Tây Nguyên cho biết, ngành Lâm sinh được xem là một trong những ngành truyền thống của nhà trường, có tuổi đời hơn 45 năm nay. Trước đây, mỗi năm nhà trường có hàng trăm thí sinh đăng kí dự tuyển, tuy nhiên, năm gần nhất (2021) chỉ có 7 thí sinh theo học ngành Lâm sinh tại trường.
“Các đơn vị thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng gửi thông báo, phối hợp với nhà trường để hỗ trợ công tác tuyển dụng. Tuy nhiên, nguồn đầu vào đang gặp rất nhiều khó khăn, một số lớp không tuyển được sinh viên”, thầy Trúc cho biết.
Còn nữa...