Thứ hai 23/12/2024 07:00
Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm

Bài 1: Những đóng góp quan trọng của ngành hóa chất vào nền kinh tế

Với tốc độ tăng trưởng 10-11% mỗi năm, chiếm tỷ lệ 2-5% GDP toàn ngành công nghiệp, ngành hóa chất đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Ngành công nghiệp nền tảng

Theo phân tích toàn cầu của Oxford Economics, ngành công nghiệp hóa chất là lĩnh vực sản xuất lớn thứ 5 toàn cầu, xét về mức độ đóng góp trực tiếp hàng năm vào GDP do chiếm tới 8,3% tổng giá trị kinh tế ngành sản xuất toàn cầu. Điều đó có nghĩa, vai trò của ngành hóa chất đối với nền kinh tế đã được khẳng định.

Ngành công nghiệp hóa chất là công nghiệp nền tảng, chiếm tỷ lệ 2-5% GDP toàn ngành công nghiệp

Trong khi đó, theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hóa chất có mặt trong đa số các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngành công nghiệp hóa chất đã tạo ra rất nhiều sản phẩm, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển công nghiệp và kinh tế của mỗi quốc gia. Đặc biệt, cuộc sống ngày càng phát triển, càng văn minh thì vai trò, vị trí của ngành công nghiệp hóa chất ngày càng trở nên quan trọng.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp hóa chất đã hình thành và phát triển từ những năm 50 của thế kỷ trước, bắt đầu với những nhà máy phân bón, hoá chất tiêu dùng tại miền Bắc do Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ với mục đích cung cấp phân bón và một số loại hoá chất phục vụ tiêu dùng. Trải qua các giai đoạn phát triển, ngành hóa chất đã có những bước phát triển mạnh mẽ với diện mạo thay đổi đáng kể so với ban đầu.

Đặc biệt từ khi có Luật Hóa chất 2007 đến nay, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam ngày càng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng, từng bước hiện đại hóa, làm chủ công nghệ, chủ động sản xuất nguyên liệu, sản phẩm cho ngành sản xuất trong nước, tiến tới xuất khẩu…

Theo bà Nguyễn Thị Thêu - Phòng Phát triển Công nghiệp hoá chất (Cục Hoá chất - Bộ Công Thương), ngành hóa chất Việt Nam được biết đến với 10 phân ngành, bao gồm: Phân bón; hóa chất bảo vệ thực vật; hóa dược; hóa dầu; hóa chất cơ bản; các sản phẩm cao su; sản phẩm điện hóa; chất tẩy rửa; sơn và mực in; khí công nghiệp.

Trong đó, phân ngành hóa dầu với những sản phẩm cho nhiều ngành công nghiệp phát triển như các loại nhựa PE, PP, PVC, PS… cho ngành công nghiệp nhựa, bao bì và các loại sợi tổng hợp như PET, PA cho công nghiệp dệt, nguyên liệu LAB cho sản xuất bột giặt.

Phân ngành hóa chất cơ bản là nguyên liệu chủ yếu cho nhiều lĩnh vực sản xuất, thúc đẩy nhiều lĩnh vực sản xuất khác như phân bón, giấy, nhựa, kính thủy tinh, chế biến quặng, luyện kim, hóa dầu, thuộc da, dệt nhuộm, ắc quy, xà phòng và chất tẩy rửa, hóa chất xử lý nước, thực phẩm, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia bột màu và sơn, phụ gia bê tông...

Phân ngành điện hóa bao gồm sản xuất pin và ắc quy hóa học; phân ngành khí công nghiệp, khí hiếm, khí đặc biệt O2, N2, CO2… sử dụng trong công nghiệp hàn cắt kim loại, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp chế biến thực phẩm đông lạnh, công nghiệp dược, công nghiệp điện tử, công nghiệp luyện thép, làm sạch đường ống dẫn khí… và một số ngành công nghệ ứng dụng như lưu hóa cao su, tôi thép đặc chủng, sản xuất kính, phân bón…, trong y tế…

Trong khi phân ngành các sản phẩm cao su sản xuất săm lốp xe cao su, cao su kỹ thuật, đặc chủng; phân ngành hóa mỹ phẩm sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa, vệ sinh, mỹ phẩm…; phân ngành sơn công nghiệp không chỉ góp phần làm đẹp mà còn có tác dụng bảo vệ tăng tuổi thọ sản phẩm và các công trình. Các ngành công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản cũng trở nên đa dạng và có điều kiện để phát triển nên nhu cầu về sơn ngày càng tăng và đa dạng…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thêu, ngành công nghiệp hóa chất là công nghiệp nền tảng, chiếm tỷ lệ 2-5% GDP toàn ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng 10-11%/ năm. Lực lượng lao động trong ngành hóa chất chiếm 2,7 triệu người, chiếm 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp. Năng suất lao động của ngành công nghiệp hóa chất chiếm 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, hóa chất được xác định là một trong những ngành công nền tảng, phát triển ngành công nghiệp hóa chất là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Như vậy có thể khẳng định, hóa chất đóng vai trò quan trọng, mang tính chất “nền tảng” cho các ngành công nghiệp khác. Nói như ông Phạm Huy Nam Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương): “Nếu không có ngành công nghiệp hóa chất thì sẽ chẳng có ngành công nghiệp nào cả”.

… nhưng chưa khai thác hết tiềm năng

Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, phân bổ cho 10 phân ngành và khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Việt Nam đã bước đầu hình thành ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các lĩnh vực sản xuất chủ yếu như phân bón: Phân đạm, phân lân, DAP, NPK; hóa chất cơ bản như H2SO4, xút, HCl; sản phẩm hóa dầu như xơ sợi, nhựa PS, PP; sản phẩm cao su, hóa chất tiêu dùng…

Trong đó, các dự án mới trong lĩnh vực hóa chất, đặc biệt là các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản góp phần khiến cho chủng loại sản phẩm hóa chất trong nước sản xuất đa dạng hơn. Tuy nhiên, những sản phẩm công nghệ cao trong nước vẫn chưa sản xuất được, nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Với ngành phân bón, trừ phân bón Kali và SA phải nhập khẩu do trong nước không có lợi thế về nguyên liệu, ngành phân bón Việt Nam đã cung cấp đủ cho các nhu cầu nội địa hầu hết các loại phân bón. Các sản phẩm phân lân chế biến và NPK đã xuất khẩu một phần. Riêng phân đạm hiện nay đang dư cung khoảng 500.000 tấn/năm. Ngành thuốc bảo vệ thực vật đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, tuy nhiên, hầu hết là các cơ sở gia công, pha chế; nguyên liệu để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải nhập khẩu đến 90%.

Về hoá dầu, hiện nay Việt Nam mới chỉ sản xuất được nhựa PVC, PP, phụ gia hoá dẻo DOP, xơ sợi tổng hợp từ các nguyên liệu trung gian nhập khẩu. Trong những năm gần đây, ngành hóa dầu được quan tâm đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án lớn như: Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung… Tuy nhiên, ước tính khi các dự án này đưa vào khai thác, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn/năm các sản phẩm hóa dầu.

Ở lĩnh vực sản xuất sản phẩm cao su, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã đầu tư sản xuất lốp xe tại Việt Nam, đưa nước ta thành nước xuất siêu về lốp xe. Hiện nay, vẫn tiếp tục có các nhà đầu tư khác đang thực hiện dự án sản xuất săm lốp tại Việt Nam. Tuy nhiên, lĩnh vực cao su kỹ thuật chưa được chú trọng đầu tư.

Khí công nghiệp Việt Nam đã sản xuất được các loại khí công nghiệp phổ biến như ôxy, nitơ, acetylen, argon, khí nén, N2O, hydro và khí trộn… và về cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước về các loại khí này.

Về sơn - mực in, chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước khá đa dạng nhưng chưa sản xuất được các dòng sơn cao cấp. Các loại nguyên liệu sản xuất nhựa, bột màu, phụ gia chủ yếu phải nhập khẩu. Về sản phẩm điện hóa, nhìn chung Việt Nam mới chỉ đáp ứng được các nhu cầu thông dụng của thị trường trong nước. Cụ thể là: Pin thông dụng (loại R6 và R20) đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu. Ắc quy đã đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu cho ắc quy ô tô và 50-60% nhu cầu cho ắc quy xe máy. Các sản phẩm đặc chủng, công nghệ cao hiện chưa sản xuất được…

Theo thống kê của Cục Hóa chất, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, cán cân thương mại hóa chất luôn âm, điều này phản ánh đúng thực tiễn là nhu cầu sử dụng hóa chất của Việt Nam tăng nhanh để phục vụ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi nội lực sản xuất chưa bắt kịp nhu cầu. Điều đó cũng phản ánh sự phát triển của công nghiệp hóa chất trong nước và vai trò của công nghiệp hóa chất sẽ ngày càng quan trọng hơn để thúc đẩy tăng trưởng của ngành, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có giá trị kinh tế…

Với nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá tốt, đã có tích lũy, công nghiệp hoá chất duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức khá qua các năm; năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hoá khá cao. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tham gia sâu rộng vào các hiệp định và tổ chức kinh tế… đã mở ra những cơ hội để ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thêu - Phòng Phát triển Công nghiệp hoá chất (Cục Hóa chất) và các chuyên gia kinh tế, ngành hóa chất của Việt Nam thời gian qua vẫn phát triển dưới tiềm năng.

Thực tế những số liệu thống kê cũng cho thấy, về tổng thể, nền công nghiệp hóa chất Việt Nam tuy đã phát triển, đã ứng dụng nhiều thành tựu, có nhiều dự án, dây chuyền sản xuất ứng dụng các công nghệ, thiết bị, phần mềm quản lý, vận hành hiện đại, song đại đa số vẫn còn nhiều nhà máy ở quy mô nhỏ, công nghệ chưa thực sự cao, tỷ lệ lao động phổ thông vẫn còn khá cao, một số nơi chưa làm chủ được công nghệ, phụ thuộc vào nhà bản quyền. Nguyên nhân là bởi khoa học công nghệ chưa cao, chưa có công nghệ nguồn, thiếu vốn, các nhà máy hiện đại với công nghệ cao, hiện đại đòi hỏi chi phí rất lớn mà tư nhân khó có thể đầu tư; trình độ quản lý, cơ chế chính sách… và một số bất cập, tiêu cực chưa được giải quyết triệt để.

Phát triển ngành công nghiệp hóa chất bền vững

Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững, thân thiện hơn với môi trường, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040. Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10-11%/năm - Ảnh: Q.N

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2040 đã đưa ra định hướng, phát triển công nghiệp hóa chất Việt Nam theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng quan trọng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh, gồm 10 phân ngành, tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành trọng điểm: Hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón.

Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô. Duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến. Hạn chế tối đa việc hình thành mới và từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường...

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030: Xây dựng ngành công nghiệp hoá chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển các phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón.

Đồng thời, hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực. Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh tế số và chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất; phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.

Đến năm 2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cần, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.

Dự kiến, công nghiệp hóa chất Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10-11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4-5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7-8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4-5%.

Đến năm 2040, đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ, sơn đặc chủng, pin - ắc quy công nghệ cao; nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 60%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 50%, hóa chất cơ bản lên 80%, cao su kỹ thuật lên 50%, ắc quy lên 80%; phấn đấu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9-11%/năm trong thời kỳ 2021-2030, giai đoạn 2030 - 2040 tăng trưởng bình quân 7,5-9%/năm.

Để đạt được những mục tiêu trên, các nhóm giải pháp được tập trung thực hiện tại Chiến lược, bao gồm, các nhóm giải pháp chung, căn bản: Đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp hóa chất; nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả về hợp tác liên kết; chính sách thương mại và phát triển thị trường hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực cho ngành hóa chất; phát triển khoa học công nghệ; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, có các biện pháp về quản lý và bảo vệ môi trường chung và đối với ngành hóa chất; có các biện pháp và chính sách tài chính phù hợp.

Bên cạnh nhóm giải pháp chung, căn bản, Chiến lược cũng đưa ra giải pháp mang tính đột phá như: Đầu tư, thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistics.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 nêu rõ quan điểm: Kết hợp hài hòa giữa phát triển chiều rộng và chiều sâu, phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; ứng dụng chuyển đổi số, kỹ thuật số để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất...

Bài 2: Cần thiết sửa đổi Luật Hóa chất, phát huy tiềm năng lĩnh vực

Quỳnh Nga - Nguyễn Hòa - Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Hàng ngàn người ‘đổ về’ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

‘Ông lớn’ tên lửa Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ nói gì về Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024?

Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024: Mục sở thị dàn UAV ‘Made in Vietnam’

Phân tích tầm nhìn của Viettel về ‘người lính tương lai’, tích hợp cả AI trong chiến đấu

Triển lãm Quốc phòng 2024: 'Lá chắn rồng' chống UAV của OSB Hightech có gì đặc biệt?

Chuyên gia quốc tế nói gì về tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Trường Sơn của Việt Nam?

Hải Dương: Sản xuất công nghiệp tăng 14,8% năm 2024

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh loạt xe đặc chủng của Bộ Công an

Chuyên gia vũ khí quốc tế nói gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Chính sách công nghiệp cần ưu tiên phát triển ngành kinh tế trọng điểm

Hết quặng Apatit vào năm 2040, Vinachem lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất phân bón

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam: Tự hào với dàn UAV, tàu quân sự, vũ khí made in Việt Nam

Vinachem thực hiện Quy hoạch khoáng sản quốc gia đảm bảo sản xuất xanh, bền vững

Sản phẩm thông tin quân sự của Việt Nam sẵn sàng kinh doanh tại Malaysia

Dễ phát tán nhưng khó kiểm soát: Hiểm họa từ tác nhân CBRN đang gia tăng

Viettel đem gì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh TP-150 - máy bay Việt chất lượng quốc tế

Mỹ đem gì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Cục Công nghiệp và Toyota hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công Thương: Hiện thực hóa các mục tiêu tại Kế hoạch hành động CBRN