Thứ hai 18/11/2024 19:21

Bạc Liêu: Mong sớm sửa đổi Luật Điện lực, tháo gỡ khó khăn cho điện gió

Các nhà máy điện năng lượng tái tạo tại tỉnh Bạc Liêu đang gặp khó khăn, chỉ hoạt động khoảng 70% công suất do hạn chế về khả năng truyền tải lên lưới.

This browser does not support the video element.

Quyết tâm của Bạc Liêu để trở thành trung tâm năng lượng sạch

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có Nghị quyết, chuyên đề về xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia. Việc xác định, quy hoạch và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tỉnh Bạc Liêu là một vấn đề hết sức quan trọng. Do đó, trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai thu hút đầu tư trên lĩnh vực năng lượng tái tạo một cách có hiệu quả.

Các trụ điện gió ngoài khơi tỉnh Bạc Liêu hoạt động rất hiệu quả

“Tới thời điểm này, chúng tôi đã đưa vào vận hành thương mại 8 nhà máy điện gió, với tổng công suất là 469,2 MW. Hàng năm, tỉnh cung cấp khoảng 2 tỷ KWh điện cho mạng lưới điện quốc gia. Đặc biệt, các nhà máy điện gió phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần ổn định năng lượng quốc gia. Điển hình như nhà máy Hòa Bình 1, Hòa Bình 2 rồi Hacom, Kosy, Bắc Phương và Công Lý…”, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Năm 2021, quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Thời điểm đó, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai 7 nhà máy điện gió. Để được hưởng giá Fit của Chính phủ, phù hợp với Quy hoạch điện 7, các nhà máy này phải được đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/11/2021. Với tinh thần quyết liệt của UBND tỉnh Bạc Liêu và các chủ đầu tư dự án, toàn bộ 7 nhà máy này đã được vận hành thương mại vào cuối tháng 10/2021.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

“Tỉnh Bạc Liêu không trễ hẹn với Quy hoạch điện 7. Chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt để vận hành 7 nhà máy điện gió và sau đó thêm Nhà máy điện gió Công Lý với tổng công suất 469,2 MW. Đây là thành công rất lớn của tỉnh Bạc Liêu trong vấn đề xây dựng năng lượng tái tạo, phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh nhà”, ông Thiều cho biết thêm.

Bạc Liêu gặp khó trong truyền tải điện năng lượng tái tạo

Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 nằm trên diện tích 27 hecta tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 31/10/2021. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều Turbine điện gió tại nhà máy này đang dừng hoạt động hoàn toàn. Trao đổi với lãnh đạo Nhà máy điện gió Hòa Bình 5, đại điện đơn vị cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do lượng điện của đơn vị sản xuất ra (nếu hoạt động đủ 100% công suất) vượt quá khả năng truyền tải.

Nhà máy điện năng lượng tái tạo của tỉnh Bạc Liêu gặp khó trong việc truyền tải điện lên lưới điện quốc gia
Việc giải phóng công suất nhà máy sẽ giúp sử dụng hiệu quả hơn nguồn năng lượng sạch này

“Thực tế trong 3 năm qua, hiệu suất tại nhà máy chúng tôi đạt khoảng 70% công suất. Điểm nghẽn lớn nhất với chúng tôi hiện nay là bị hạn chế giảm phát công suất phát điện AGC. Chúng tôi mong rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia sớm triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường dây 220 KV Bạc Liêu đi Sóc Trăng, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo tại đây”, ông Nguyễn Như Thức, đại diện chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình bày tỏ.

“Nếu như tất cả các nhà máy điện gió ở tỉnh Bạc Liêu được giải phóng toàn bộ công suất, tôi nghĩ rằng sẽ đóng góp được nhiều hơn cho ngành năng lượng của quốc gia. Các doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng tái tạo ở Bạc Liêu cũng sẽ có khả năng thu hồi vốn sau khoảng 5 – 7 năm vận hành”, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

Một số trụ điện gió ở tỉnh Bạc Liêu phải hoạt động cầm chừng vì gặp khó khăn trong truyền tải điện
Bộ Công Thương tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền sớm xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp điện gió tỉnh Bạc Liêu

Ngành năng lượng tái tạo ở Bạc Liêu cần sự hỗ trợ của Trung ương

“Nếu như chúng tôi được phê duyệt triển khai 741 MW trong giai đoạn 2025 – 2030 thì sẽ góp phần thu ngân sách rất lớn, đồng thời là giải quyết công ăn việc làm tại địa phương rất tốt”, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Tỉnh Bạc Liêu cũng mong muốn sớm sửa đổi Luật Điện lực, giúp tháo gỡ tất cả những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực tiễn vận hành Luật Điện lực hiện nay. Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình lên Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đã được cấp có thẩm quyền cho phép thảo luận, thông qua trong một kỳ họp.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành Trung ương đã luôn lắng nghe và triển khai các giải pháp hỗ trợ đồng bộ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã và đang rất nỗ lực, rất thiện chí ủng hộ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đang triển khai dự án năng lượng tái tạo trên cả nước.

Nguyễn Bắc - Hồng Hà
Bài viết cùng chủ đề: Năng lượng tái tạo