Bắc Kạn đa dạng các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn /chu-de/tinh-bac-kan.topic đã cùng vào cuộc triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đa dạng trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nhất là việc thực thi những chính sách mới nhằm kịp thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Theo đó, với vai trò cơ quan chủ trì, những năm qua, Sở Công Thương Bắc Kạn đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: in, treo băng rôn tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trên các tuyến phố chính tại các huyện và thành phố; phát tờ rơi với nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trường phổ thông trung học, chuyên nghiệp… trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, đơn vị chủ trì tổ chức Chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng” thông qua việc dàn dựng các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm hàng hóa, tạo cơ hội để người tiêu dùng được tham quan, mua sắm, sử dụng các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, nhiều ưu đãi nhằm tri ân người tiêu dùng, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh địa phương qua các sản phẩm hàng hóa; đồng thời khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình khuyến mại tri ân người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung cao điểm từ tháng 3 đến hết tháng 5 hằng năm.
Người dân Bắc Kạn mua sắm tại “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng” năm 2024. Ảnh: Xuân Nghiệp |
Trong khi đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều ban hành kế hoạch, văn bản tổ chức thông tin tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, bản tin của ngành, cơ quan, đơn vị; tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt giao ban, sinh hoạt chi bộ hằng tháng; khuyến khích công chức, viên chức, người lao động tích cực phản ánh, thông tin kịp thời đến cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện những hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng; lồng ghép triển khai các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao có liên quan tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đó, một số đơn vị đã có những hoạt động tuyên truyền nổi bật, đem lại hiệu quả thiết thực. Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn đã biên soạn và đăng tải nội dung Hỏi - đáp: “Một số quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử hiện nay” trên Trang Thông tin điện tử của đơn vị với nội dung tuyên truyền tập trung vào những quy định về đảm bảo thông tin của người tiêu dùng và thời điểm giao kết hợp đồng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử; các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử; trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến.
Các cơ quan báo chí địa phương và hệ thống thông tin cơ sở cũng tích cực thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật và vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn đã xây dựng tin bài phản ánh các vấn đề chất lượng, giá cả hàng hóa; giới thiệu các doanh nghiệp, sản phẩm có thương hiệu, uy tín trong sản xuất kinh doanh; khuyến khích khách hàng lựa chọn sử dụng các sản phẩm đạt chất lượng; tuyên truyền nội dung Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nỗ lực của Chính phủ trong đảm bảo giá thành các mặt hàng thiết yếu; đưa tin, phản ánh các cơ sở kinh doanh không đạt yêu cầu, sản xuất sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái…
Hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Quý Đôn |
Trong 5 năm trở lại đây, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Kạn và các cấp công đoàn tỉnh này đã tổ chức, phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát tại trên 200 lượt đơn vị, doanh nghiệp, qua đó đã kịp thời nhắc nhở, đôn đốc, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả thực thi các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lồng ghép trong việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc như các cuộc tập huấn cho người có uy tín… góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại các địa phương, các phòng chuyên môn, lực lượng chức năng cũng đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng thuộc nhiều lĩnh vực như an toàn thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng…
Mặc dù các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tích cực vào cuộc trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiên dùng, nhất là trong công tác tuyên truyền thường xuyên, song vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức được các quyền cơ bản và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Tâm lý dễ dãi trong lựa chọn mua hàng hóa tiêu dùng và tâm lý ngại phản ánh các hành vi vi phạm tạo cơ hội cho hàng hóa kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều.
Một số đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa thực sự quan tâm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng, vì mục tiêu lợi nhuận, lợi dụng kẽ hỡ pháp luật và sự thiếu hiểu biết, thiếu thận trọng của người tiêu dùng để thu lợi bất chính. Đồng thời việc xuất hiện các hành vi, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh mới, đa dạng, phức tạp; kinh doanh hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp... gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh, xử lý.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đan xen cả yếu tố tích cực và tiêu cực hiện nay, nhất là sự tác động, phát sinh những mặt trái của kinh tế thị trường với nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý và trước những yêu cầu của thực tiễn, để có thể xây dựng một môi trường tiêu dùng bền vững, an toàn, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục cần sự chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, các ngành, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng. Đồng thời, bản thân người tiêu dùng cũng cần chủ động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, coi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội.