Bắc Giang: Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử đón hơn 200.000 du khách
Trong những ngày nghỉ lễ, Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử ở thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến vãn cảnh, tham quan, khám phá vùng đất miền sơn cước.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử cho biết, theo thống kê, trong quý I/2024 thì khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử đón khoảng 200.000 du khách đến vui chơi, ngắm cảnh, số vé cáp treo bán ra được gần 62.000 vé với tổng doanh thu hơn 18 tỷ đồng.
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. (Ảnh: Chính Công) |
"Trong mấy ngày dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, rất nhiều du khách đến địa phương trong đó có khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử. Chúng tôi ước tính từ ngày 27 đến 29/4 đã có khoảng 210.000 du khách đến địa phương du lịch, số vé du khách đi cáp treo bán ra hơn 67.000 vé, thu về gần 20 tỷ đồng" - ông Thịnh cho biết.
Tham gia vào hành trình đến với Tây Yên Tử ở huyện Sơn Động du khách sẽ được trải nghiệm 1 tour du lịch tâm linh đi theo con đường bộ hành hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông qua các điểm chùa, tháp dọc sườn Tây Yên Tử.
Du khách sẽ được đến cổ tự Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng vãn cảnh, tìm hiểu bộ mộc bản độc nhất vô nhị được bảo quản hàng trăm năm qua đã trở thành Di sản tư liệu thế giới, rồi qua đền Suối Mỡ ở huyện Lục Nam và lên chùa Hạ, chùa Thượng, chùa Đồng, chiêm bái tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử.
Từ ngày 27 đến 29/4 đã có khoảng 210.000 du khách đến Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử. (Ảnh: Chính Công) |
Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử hiện nay được quy hoạch với quy mô 136 ha, không chỉ gồm hệ thống các chùa mà còn có đa dạng khu chức năng phục vụ du khách như: Khu đón tiếp và điều hành; khu trung tâm văn hóa lịch sử với những công trình độc đáo và hấp dẫn: Long môn quan, công viên Phật giáo thế giới, sa bàn con đường hoằng dương Phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, khu nghỉ dưỡng sinh thái tiêu chuẩn từ 2-5 sao, trung tâm tâm linh và khu vực cáp treo ga đến chùa Thượng.
Ngoài khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử, du khách nếu đến Bắc Giang cũng được trải nghiệm nhiều địa điểm du lịch như: Hồ Cấm Sơn, hồ Khuân Thần ở huyện Lục Ngạn, chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng, Khu du lịch bản Ven ở huyện Yên Thế…
Hồ Cấm Sơn ở huyện Lục Ngạn nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN) |
Hồ Cấm Sơn ở huyện Lục Ngạn có diện tích mặt nước rộng 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 3.000 ha. Chiều dài của hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m, lòng hồ nơi sâu nhất đến khoảng 47m, hồ có rất nhiều đảo. Điều đặc biệt bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng, bao bọc.
Hồ Cấm Sơn nằm trên địa bàn 4 xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn của huyện Lục Ngạn, giáp ranh với hai huyện Hữu Lũng và Đình Lập của tỉnh Lạng Sơn, là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, một địa danh du lịch hấp dẫn để tham quan, nghỉ mát.
Tới hồ Cấm Sơn, du khách được thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ bằng cách đi thuyền trên mặt hồ. Cảm giác chòng chành khi mới xuống thuyền dần nhường chỗ cho sự thích thú trước không gian ngày càng rộng mở của hồ.
Hay như hồ Khuôn Thần nằm trong khu du lịch sinh thái Khuôn Thần thuộc xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn. Hồ diện tích rộng khoảng 240 ha, được bao bọc bởi những rừng thông, chàm, keo tai tượng tươi tốt quanh năm.
Hồ Khuân Thần ở huyện Lục Ngạn là địa điểm để du khách được trải nghiệm cuộc sống trên các đảo. (Ảnh: TTXVN) |
Lòng hồ có 5 đảo nhỏ là những vùng đồi bát úp nổi lên giữa làn nước trong xanh, các đảo đều được trồng thông có tuổi từ 15 đến 20 năm, cùng với đó là vạt rừng rộng có diện tích khoảng 800 ha, trong đó có 300 ha rừng tự nhiên và 500 ha là rừng trồng, rừng tái sinh và đồng cỏ. Đây chính là lý do mà người ta gọi hồ Khuôn Thần là “lá phổi xanh của huyện Lục Ngạn”.
Đến với Khuôn Thần là đến với những khu trang trại, vườn cây ăn quả xanh tươi, rộng ngút ngát. Tới đây, chúng ta sẽ có cơ hội thưởng thức những đặc sản nổi tiếng như cá nướng, mật ong, rượu tắc kè, hạt dẻ, vải thiều, hồng… hay lắng nghe những làn điệu dân ca Soong hao, trữ tình của dân tộc Nùng, Tày.