Bắc Giang: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 28,71%
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng thấp là do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào trọn trong tháng 2, trong khi năm 2023 vào tháng 1, nên số ngày sản xuất của tháng 2/2024 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Cụ thể, ngành khai khoáng ước đạt 55,79%, giảm 1,75 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 103,2%, đóng góp 3,55 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng ước đạt 114,87%, đóng góp 1,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước hoạt động và xử lý nước thải ước đạt 91,06%, làm giảm 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung của chỉ số.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Giang tăng 28,71% (Ảnh: Thu Hường) |
Tính chung 2 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 28,71%. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây (năm 2022 tăng 27,6%, năm 2023 tăng 11,2%), đã phản ánh hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã phục hồi hoàn toàn.
Tuy nhiên, một số ngành còn gặp khó khăn như: Hoạt động sản xuất đồ uống ước đạt 49,69%; sản xuất xe có động cơ ước đạt 87,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ ước đạt 89,51%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước đạt 79,4%. Do các ngành này chiếm tỷ trọng nhỏ nên cũng không tác động nhiều đến tốc độ tăng chung của ngành công nghiệp.
Theo thành phần kinh tế thì loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất các sản phẩm điện tử vẫn là những nhân tố chính đóng góp vào quy mô giá trị sản xuất cũng như mức tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 47,03% so với cùng kỳ.
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 47,03% so với cùng kỳ (Ảnh: Lắp ráp điện tử tại KCN Vân Trung) |
Các sản phẩm chủ lực có mức tăng cao trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ như: Than đá các loại ước 128,5 nghìn tấn, tăng 2,93 lần; đồng hồ thông minh (có giá từ 3-6 triệu) ước đạt 1,1 triệu cái, tăng 2,1 lần; đồng hồ thông minh (có giá từ 6-10 triệu) ước đạt 1,3 triệu cái, tăng 79,78%; tai nghe có micro ước đạt 12,9 triệu cái, tăng 70,09%. Các sản phẩm có chỉ số giảm trong 2 tháng tiêu biểu như: Bia đóng chai ước đạt 566 nghìn lít, giảm 50,31%; vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 25,7 nghìn tấn, giảm 32,38%; amonica dạng khan ước đạt 4.734 tấn, giảm 57,56%; pin khác ước đạt 5,2 triệu viên, giảm 17,8%.
Bên cạnh đó, tình hình lao động trong các doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán cơ bản ổn định. Trong các khu công nghiệp (KCN) đã có khoảng trên 80% người lao động đã quay lại làm việc ngay từ ngày đầu tiên sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đến nay đã có khoảng 190.000 người lao động thực tế đang đi làm, tăng 17.500 lao động so với tháng 1/2023.
Để thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp trong những tháng tới, tỉnh Bắc Giang xác định, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Theo dõi, thúc đẩy sản xuất của từng ngành, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực; chủ động nắm bắt, triển khai các giải pháp phù hợp, linh hoạt để tháo giỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, tiến độ giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của các KCN: Việt Hàn, Quang Châu, Hòa Phú, Song Khê - Nội Hoàng (phía Nam) và các KCN mới Yên Lư, KCN Hòa Phú mở rộng nhằm tạo quỹ đất sạch sẵn sàng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp.