Bắc Giang: Cần thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 7,2 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng hơn 286 nghìn lao động, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, thống kê có 86 doanh nghiệp chịu tác động, chủ yếu do giảm đơn hàng và thiếu nguyên liệu đầu vào. Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập là hơn 27,5 nghìn người, trong đó có 18,2 nghìn người mất việc làm, còn lại là bị giảm giờ làm, nghỉ không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, thống kê 5 tháng đầu năm 2023, đơn vị tiếp nhận hồ sơ, giải quyết cho hơn 8,9 nghìn lao động được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022; trong số này, có khoảng 90% là lao động phổ thông. Điều này gây áp lực lớn cho địa phương trong giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Được biết, trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh kết nối, tổ chức các phiên giao dịch việc làm; rà soát, kịp thời nắm bắt nhu cầu của từng doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, kết nối qua Cổng thông tin việc làm, các ứng dụng mạng xã hội; duy trì hoạt động nhóm zalo “Hỗ trợ việc làm Bắc Giang”; nhất là tăng cường các phiên giao dịch lưu động tại nhiều huyện và các tỉnh lân cận.
Trong bối cảnh nhiều công nhân bị mất việc do doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm quy mô thời gian qua, các phiên giao dịch việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động, không chỉ trong tỉnh Bắc Giang mà còn với các địa phương khác trong cả nước.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã đổi mới nội dung tuyên truyền từ việc chú trọng tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, pháp luật sang tuyên truyền về lợi ích, vai trò, ý nghĩa và nội dung của chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận của người lao động và doanh nghiệp; tăng cường cách tiếp cận tuyên truyền dựa trên nền tảng công nghệ song song với hình thức tuyên truyền miệng, áp phích, tờ rơi. Kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền thường xuyên và tuyên truyền tại sàn giao dịch việc làm; tăng cường phương pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử và may mặc gặp khó khăn. Nhân sự dùng trong 2 lĩnh vực này mất thời gian đào tạo trong thời gian dài, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất nên thay vì giải pháp cắt giảm lao động, các đơn vị vẫn đang tích cực tìm kiếm đơn hàng, tổ chức lại bộ máy nhân sự để duy trì thu nhập, giữ chân người lao động.
Đơn cử, Công ty TNHH Sungwoo Vina (Khu công nghiệp Đình Trám, tỉnh Bắc Giang) hiện tạo việc làm cho gần 500 công nhân. Theo đại diện doanh nghiệp, từ cuối năm 2022 đến nay doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động. Thay vì tập trung vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp đã mở rộng tìm kiếm đối tác ở Nhật Bản, Trung Đông và cả khách hàng nội địa.
Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu khách hàng về sản lượng, chất lượng, mẫu mã, doanh nghiệp đã động viên người lao động, điều chỉnh máy móc, kỹ thuật; doanh nghiệp phải tập trung cải thiện về năng suất và chất lượng để bù đắp về giá, thậm chí chịu lỗ một phần, mong muốn người lao động có việc làm, ổn định đời sống.
Tương tự, với gần 400 công nhân Công ty TNHH Nano Hightech (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng), thời điểm này, doanh nghiệp đang làm việc hết công suất để trả đơn hàng hè và quý III. Tuy nhiên, theo đại diện doanh nghiệp, năm nay, công suất dây chuyền hiện chỉ đạt 70%, doanh thu 4 tháng đầu năm giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Để duy trì hoạt động ổn định, không phải cắt giảm lao động hay cho công nhân nghỉ luân phiên, lãnh đạo doanh nghiệp yêu cầu các tổ sản xuất họp chuyên môn hằng tuần, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng phương án sử dụng lao động cụ thể; sắp xếp, bố trí lại các dây chuyền sản xuất để san sẻ công việc giữa các bộ phận, giữ chân lao động có tay nghề. Theo đại diện doanh nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện vẫn chưa hồi phục hoàn toàn nên trước mắt, cùng với tập trung hoàn thành các đơn hàng sẵn có, giữ uy tín với khách hàng, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, tìm kiếm đơn hàng mới. Đặc biệt, với phương châm giữ việc cho công nhân, doanh nghiệp kết nối với một số đơn vị sản xuất thân thiết cùng lĩnh vực để được hỗ trợ về việc làm, giúp công nhân ổn định đời sống, tiếp tục gắn bó.
Dự báo đến hết năm 2023, khó khăn còn tiếp diễn với khoảng 39 nghìn lao động tại tỉnh bị ảnh hưởng việc làm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, nhằm mục đích tạo việc làm, "giữ chân" người lao động. Trước tình hình đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin doanh nghiệp cho nhiều lao động nghỉ việc, đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch việc làm để nhanh chóng kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đến các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoặc theo nguyện vọng. Tín hiệu khả quan là 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho gần 13,6 nghìn người, đạt 41,7% kế hoạch năm (trong đó, việc làm trong nước là gần 12,8 nghìn người, còn lại là xuất khẩu lao động).
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Sở đang phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình lao động tại các doanh nghiệp; chủ động tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm các chính sách pháp luật về lao động, quan tâm thực hiện đúng, đủ chế độ chính sách cho công nhân, nhất là những trường hợp bị tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Song song với đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất, cơ quan chức năng hỗ trợ vốn, tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; thực hiện gia hạn, ân hạn nợ vay; hỗ trợ về thuế; cho nợ tiền đóng quỹ Bảo hiểm xã hội tạm thời để lấy số tiền đó ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho lao động.
Tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu giai đoạn đến năm 2025, 100% người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (sau đây viết tắt là người thất nghiệp) được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu; 90% người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu.
Giai đoạn đến năm 2030, 100% người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có từ 70% được giới thiệu việc làm thành công; tiếp tục tăng tỷ lệ người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm.
Để thực hiện mục tiêu này tỉnh Bắc Giang cũng sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh đảm bảo thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và các nghiệp vụ liên quan hằng năm, rà soát, đánh giá cơ sở vật chất hiện có tại trung tâm dịch vụ việc làm, các địa điểm tổ chức tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.