Liên tục tuyển dụng
Quý I/2024, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai liên tục tuyển dụng hàng ngàn lao động với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng.
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động dẫn chứng, công ty có quy mô công nhân nhất thành phố Hồ Chí Minh là PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 1.000 lao động. Đáng chú ý, công ty sẵn sàng tuyển dụng lao động trên 40 tuổi vào làm việc nếu đáp ứng các nhu cầu về thâm niên, tay nghề. Đây đợt tuyển lớn nhất của Pouyuen Việt Nam kể từ khi cắt giảm gần chục nghìn lao động năm ngoái.
Thực tế, kể từ sau Tết Nguyên đán, nhờ đơn hàng phục hồi, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố cũng ồ ạt thông báo tuyển lao động với số lượng lớn.
Tại Công ty TNHH Hwaseung Vina, chuyên sản xuất giày thể thao có trụ sở tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cần tuyển 25.000 lao động nhưng đến nay chỉ mới tuyển được hơn 1.000 lao động. Hiện doanh nghiệp này đang tiếp tục tuyển thêm 1.000 lao động phổ thông với mức lương từ 6,7-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, để tuyển dụng lao động, doanh nghiệp này còn đưa ra chính sách hỗ trợ công nhân mới 2 triệu đồng/người, lao động có kinh nghiệm, tay nghề hỗ trợ thêm 500.000 đồng.
Nhiều doanh nghiệp "khát" lao động trong quý đầu năm |
Trong khi đó, tại Bình Dương, Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương) đang tuyển dụng 1.500 công nhân may cùng hàng trăm vị trí việc làm khác như thợ máy, bảo trì máy, kiểm hàng, đóng gói. Về chế độ ưu đãi, với lao động mới sau một tháng làm việc sẽ được thưởng 1 triệu đồng/người và hỗ trợ đi lại 400.000 đồng/người/tháng cho lao động ngoài tỉnh.
Liên quan đến câu chuyện tuyển dụng lao động những tháng đầu năm, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, do nhu cầu mở rộng, tái sản xuất, đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang cần tuyển dụng với một lượng lao động khá lớn. Bên cạnh ngành may và giày da, điện tử vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng, do đó sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho lao động, nhất là lao động phổ thông.
“Từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức tư vấn việc làm cho 23.474 lao động; giới thiệu việc làm cho 16.486 người và giới thiệu được việc làm ổn định cho 8.269 người”, ông Nguyễn Thanh Phương chia sẻ.
Tăng kết nối giữa cung cầu
Đánh giá về tình hình lao động quý I/2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết, thị trường lao động quý I/2024 sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng 11,22% so với quý I/2023.
Nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với gần 54.000 chỗ làm việc, chiếm 64,8% (tăng 14,6% so với quý I/2023); khu vực công nghiệp - xây dựng với hơn 29.000 chỗ làm việc, chiếm 35,14% (tăng 5,46%)…
Dự báo nhu cầu trong quý II/2024, Falmi cho biết thành phố cần khoảng 75.000-77.000 chỗ làm việc. Trong số 1.443 doanh nghiệp mà Falmi trực tiếp khảo sát cũng rất ít doanh nghiệp có biến động nhân sự lớn, chỉ có 23 doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm 548 người trong quý II/2024.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh này, Sở Lao động và Thương binh xã hội TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các hoạt động kết nối việc làm cho người lao động, trong đó triển khai mô hình thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm ngay tại các bến xe, nhà ga vào thời điểm sau Tết cho người lao động từ các tỉnh đến thành phố tìm kiếm việc làm.
Bên cạnh đó là các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động tìm hiểu, trao đổi và thỏa thuận trước khi quyết định vào làm việc.
Trong khi đó theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, nhằm đáp ứng cung cầu lao động trong quý II/2024 cho các doanh nghiệp trên địa bàn, đơn vị tiếp tục mở các phiên giao dịch định kỳ, các buổi tư vấn kỹ năng tìm việc, cập nhật chính sách cho doanh nghiệp; liên hệ các doanh nghiệp để thực hiện liên kết lao động với các tỉnh còn nguồn lao động.
Về giải pháp dài lâu cho bài toán lao động, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho rằng, các địa phương có lượng khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng số lao động lớn cần đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ chân người lao động trong khu vực doanh nghiệp, nhất là những bất cập về tiền lương.