Thị trường lao động: Bao giờ đến hồi “thái lai”? - Bài 1: Cơn “bĩ cực” đã qua? Thị trường lao động: Bao giờ đến hồi “thái lai”? Bài 2: Hướng tới thị trường lao động ổn định, bền vững |
Tăng cả lượng và chất
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động việc làm quý I/2024 cho thấy, lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng bình thường trong giai đoạn trước thời kỳ dịch Covid-19.
Cụ thể, quý I/2024, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, giảm 127 nghìn người (tương ứng giảm 0,25%) so với quý trước nhưng tăng 174,1 nghìn người (tương ứng tăng 0,34%) so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lao động có việc làm giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,77%) và ở nam giới (giảm 0,97%).
Thị trường lao động dần trở lại xu hướng phát triển bình thường |
Không chỉ tăng về số lao động, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng, tăng 301 nghìn đồng so với quý trước và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,33 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,6 triệu đồng so với 6,5 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,42 lần khu vực nông thôn (9,3 triệu đồng so với 6,5 triệu đồng). “So với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2024 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế – xã hội của cả nước”, Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định.
Bên cạnh đó, số người và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức trước đại dịch. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2024 khoảng 1,05 triệu người, giảm 10,3 nghìn người so với quý trước và tăng 5,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 2,24%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thường quan sát được ở thị trường lao động Việt Nam khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19.
Ghi nhận thực tế ở tỉnh Bắc Ninh, tại sự kiện “Ngày hội việc làm dành cho lao động nữ năm 2024” diễn ra mới đây, Công ty TNHH KHKT Goertek Vina (đối tác của Apple, Samsung, Google) tuyển tới 1.000 công nhân sản xuất linh kiện điện tử; Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam (đối tác của Samsung) tuyển 2.000 công nhân; Tập đoàn Foxconn Hồng Hải (đối tác của Apple) tuyển gần 300 nhân viên…
Ông Vũ Tiến Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh - cho biết: Nhu cầu tuyển dụng lao động nói chung và lao động nữ nói riêng tại các công ty trên địa bàn tỉnh hiện khá lớn. So với cùng kỳ của năm 2023, trong quý I/2024, có gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đăng ký tuyển dụng, với số lượng lên đến 25 - 30 nghìn lao động cho các vị trí từ nhân viên kỹ thuật cao đến công nhân phổ thông.
Còn tại Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh dự báo, năm 2024 nhu cầu nhân lực ở TP. Hồ Chí Minh cần từ 300.000 - 320.000 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I/2024 cần khoảng 77.500 - 86.000 vị trí.
Thêm nhiều quyền lợi để thu hút lao động
Để thu hút lao động, doanh nghiệp đã, đang đưa ra nhiều chính sách thu hút, ưu đãi, khuyến khích lao động làm việc. Đơn cử tại Công ty Dreamtech Việt Nam (Bắc Ninh), lao động nữ trong thời kỳ cho con bú sẽ được nghỉ làm sớm hơn 1 giờ, mỗi tháng được nghỉ 3 giờ. Ngoài ra, công ty cũng ưu tiên lao động nữ được ngồi làm việc chứ không phải đứng; ưu tiên làm việc nhẹ nhàng, không phải bê vác. Đặc biệt, khi lao động nữ mang thai không phải tăng ca.
Tại Bắc Giang, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng hơn 112 nghìn lao động; giai đoạn 2025-2030 tuyển dụng bình quân khoảng 90 nghìn lao động/năm. Các ngành nghề, lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị sản xuất; chế tạo linh kiện và thiết bị điện; sản xuất khuôn mẫu cho công nghiệp điện, điện tử…
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, lần đầu tiên UBND tỉnh Bắc Giang có các đoàn công tác do đích thân Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La để trao đổi, thống nhất với UBND các địa phương trên xúc tiến, thu hút lao động.
Chính sách đối với người lao động, doanh nghiệp ở Bắc Giang cam kết quan tâm, hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, trả lương đúng, đủ kịp thời và bảo đảm chấp hành đúng quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội.
Về chỗ ở cho người lao động, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang thông tin, đến nay các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của tỉnh đã có khu ký túc xá, bảo đảm chỗ ở cho khoảng 30 nghìn lao động. Các huyện có khu công nghiệp đã xây dựng gần 3 nghìn nhà trọ với hơn 48 nghìn phòng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 90 nghìn lao động. Tại một số doanh nghiệp có ký túc xá, nếu lao động không có nhu cầu ở trong công ty sẽ được hỗ trợ tiền nhà với mức 500 nghìn đồng/tháng (cộng vào tiền lương).
Về lâu dài, Bắc Giang có chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non đang học tại các cơ sở ngoài công lập là con công nhân, người lao động làm việc tại khu, cụm công nghiệp...
Tuy đã có nhiều kết quả tích cực song các chuyên gia vẫn lưu ý, thị trường lao động trong nước còn hạn chế về chất lượng cung - cầu để hướng đến một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, trong đó có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. |