Theo UBND tỉnh BR-VT, dự án được đề xuất gồm hệ thống đường truyền tải điện có chiều dài hơn 100km, tính từ trạm 220kV huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vượt biển ra huyện Côn Đảo. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến 4.806 tỷ đồng và chiều dài tuyến cáp ngầm xuyên biển dài khoảng 78km và công suất dự kiến lắp đặt giai đoạn đầu cho Côn Đảo là 25MVA.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2020, huyện Côn Đảo dự kiến đón trên 180.000 lượt khách du lịch và mốc năm 2030, du khách đến với hòn đảo này sẽ đạt 300.000 lượt khách.
Tuy nhiên, thực tế lượng du khách đã đến Côn Đảo trong năm 2019 đã đạt gần 397.000 lượt khách và năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn có hơn 320.000 lượt du khách đến Côn Đảo.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh BR-VT cho biết, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh BR-VT được Bộ Công Thương phê duyệt (tại Quyết định số 4694/QĐ-BCT ngày 1/12/2016), huyện Côn Đảo đến năm 2025 nhu cầu điện dự báo là 21MW, đến năm 2030 là 33,3MW và 46,4MW đến năm 2035.
Trong khi đó, hiện nay nguồn điện cung cấp cực đại trên địa bàn huyện Côn Đảo chỉ đạt 11,8MW (công suất khả dụng 9,6MW), thiếu hụt 6,8MW so với nhu cầu thực tế.
Một dự án điện mặt trời đã được ngành điện đầu tư ở Côn Đảo trước đây và đang phát điện phục vụ sinh hoạt của người dân |
Theo UBND huyện Côn Đảo, trên địa bàn Côn Đảo hiện có 30 dự án đã được cấp phép đầu tư với tổng số vốn gần 4.000 tỷ đồng và 40 triệu USD. Trong số này, đã có 13 dự án đã hoạt động, đang xây dựng 8 dự án và 9 dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư. Nhiều dự án mới về nghỉ dưỡng được đầu tư, lượng du khách đến ngày một đông khiến cho tình trạng thiếu điện trên địa bàn huyện Côn Đảo tiếp tục diễn ra và sẽ gay gắt hơn trong một vài năm tới.
Để giải toả tình hình thiếu điện tại Côn Đảo, trong năm 2020, Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đã đầu tư 13,5 tỷ đồng cho Côn Đảo để xây dựng điện mặt trời và mua sắm trang thiết bị máy móc để phát điện bằng máy phát. EVNSPC cũng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cho hệ thống điện ở Côn Đảo và thực hiện công trình tích hợp các nguồn điện không nối lưới và công trình cấp điện bằng nguồn điện mặt trời, tuy vậy đây chỉ là những giải pháp tình thế trước mắt.
Ông Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT - cho biết, trong tháng 3/2021, sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn BR-VT ước đạt 636.706.444,71 kWh, tăng 21,4% so với cùng kỳ; trong quý I/2021, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 1.677.224.431,71 kWh, tăng 11,74% so với cùng kỳ.
Kéo điện ra đảo nhằm phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh minh hoạ) |
Theo ông Giáp, nhu cầu sử dụng điện năng ở BR-VT tiếp tục tăng, vì thế công tác đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện để phục vụ cho nhu cầu kinh tế xã hội hàng năm là rất lớn và đang bức bách.
Cụ thể, trong năm 2021, công ty đã đăng ký với EVNSPC sửa chữa 22 công trình lớn; 2 công trình nguồn điện, 2 công trình sửa chữa kiến trúc, công xa; 11 công trình sửa chữa lưới điện 110kV và 7 công trình sửa chữa lưới phân phối với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng.
Về đầu tư xây dựng, công ty sẽ đầu tư khoảng 387 tỷ đồng nhằm mục tiêu hoàn thành đóng điện 1 công trình lưới điện 110kV, lắp máy 2 trạm biến áp 110KV Phú Mỹ 3 và 30 công trinh lưới điện phân phối.
Theo đó, tổng khối lượng lưới điện xây dựng mới và nâng cấp cải tạo để đưa vào vận hành trong năm nay gồm tổng dung lượng trạm 110kV tăng thêm là 63MVA; gần 198km đường dây trung thế; 121km đường dây hạ thế và tổng công suất biến áp phân phối tăng thêm 14,69 MVA