Bà Rịa Vũng Tàu: Cảnh sát biển tạm giữ 25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc
Ngày 16/2, Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã dẫn giải tàu TG93698TS chở khoảng 25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc về tới cảng Hải đội 301 tại thành phố Vũng Tàu để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào khoảng 16h00, ngày 14/02/2023, tại vùng biển cách phía Đông Nam Côn Đảo khoảng 60 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phát hiện kiểm tra tàu vỏ gỗ số hiệu TG93698TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra trên tàu có 04 thuyền viên do ông Huỳnh Tấn Đạo, sinh năm 1979, có hộ khẩu thường trú tại Phường 3, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa trên tàu |
Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng thì tàu TG93698TS đang vận chuyển khoảng 25.000 lít dầu DO nhưng thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn cũng như giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của hàng hóa, ngoài ra các thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
Hiện, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính, đưa tàu về Vũng Tàu tiếp tục điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, tại Kiên Giang, ngày 11/2, Hải đoàn Biên phòng 28 (Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) đã phát hiện, bắt giữu tàu chở 35.000 lít dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, khoảng 20h30 ngày 11/2, trong lúc tuần tra trên vùng biển Tây Nam, Biên đội A23 - Hải đoàn Biên phòng 28 phát hiện tàu cá CM 92365 TS do ông Lê Văn Đức (sinh năm 1984, trú tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng lại để kiểm tra.
Tàu được lai dắt về cảng Hải đội 301 tại thành phố Vũng Tàu để tiếp tục điều tra xử lý |
Tại thời điểm kiểm tra, ông Lê Văn Đức khai nhận chở khoảng 35.000 lít dầu DO. Toàn bộ số dầu này thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Sau đó lực lượng chức năng đã lai dắt tàu cá CM 92365 TS về cảng Hải đoàn Biên phòng 28 để điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, việc buôn lậu xăng dầu không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, mà ngay cả người dân, các doanh nghiệp, đầu mối nhập khẩu, tiêu thụ xăng dầu hợp pháp cũng bị ảnh hưởng lớn. Do đó, việc chống buôn lậu xăng dầu cần phải có cách làm mới, thường xuyên và triệt để hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Yêu cầu xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng xăng dầu diễn ra phức tạp, kéo dài trên địa bàn mình quản lý.