Hết thời hàng xách tay? Thận trọng với hàng “xách tay” Đức trên chợ mạng Sữa bột trẻ em Nutramigen bị thu hồi tại Mỹ, người tiêu dùng Việt cần thận trọng khi mua hàng xách tay |
Hàng "xách tay” bán la liệt trên website không đăng ký với cơ quan chức năng
Trong bối cảnh tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng gia tăng, việc buôn bán sản phẩm hàng hoá trên website không đăng ký có diễn biến phức tạp.
Do đó, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử được coi là “mặt trận” trọng tâm nhằm nỗ lực dẹp bỏ vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những vấn đề khiến cho cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm hàng "xách tay", google maps sẽ hiện ra các chấm đỏ xung quanh khu vực nơi bạn đang sinh sống có bao nhiêu cửa hàng chuyên bán hàng hoá được cho là hàng "xách tay". Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Theo quy định, các website bán hàng và cung cấp dịch vụ thông qua kết nối internet bắt buộc phải đăng ký thông báo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều website, nhất là các website thương mại điện tử, bán hàng ngoại, hàng "xách tay” không đăng ký với cơ quan chức năng.
Trên ứng dụng Google Maps, chỉ cần gõ cụm từ hàng "xách tay” là ngay lập tức, quanh khu vực bạn sinh sống sẽ hiện lên các chấm đỏ là biết có bao nhiêu cửa hàng. Đơn cử, tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có thể dễ dàng tìm thấy các website bán hàng như: Kshop247.com; hangmynoidia.com; laforce.vn; konni39vungtau.com...
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại trang kshop247.com, cơ sở này giới thiệu và bán các mặt hàng điện thoại xách tay từ Mỹ, Hàn Quốc với đầy đủ các mẫu mã chủng loại của các hãng như iPhone, Samsung. Ngoài ra, trên trang web này còn bán cả thực phẩm chức năng, sâm, thuốc trị bệnh, bánh kẹo Hàn Quốc.
Giới thiệu hoành tráng là vậy, nhưng website kshop247.com chưa đăng ký với hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.
Dữ liệu từ hệ thống đăng ký tên miền quốc gia, cho thấy website kshop247.com do người có tên Trương Đào Trọng Tín đăng ký, địa chỉ giao dịch hàng hóa tại số 119 Ngô Quyền, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu.
Trang web này chuyên bán điện thoại xách tay từ Mỹ, Hàn Quốc... |
...nhưng chưa hề đăng ký với hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương - (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Tương tự tại một trang web khác có địa chỉ tên miền là hangmynoidia.com, cơ sở này giới thiệu là “Myan hàng Mỹ nội địa”. Cơ sở này cũng bày bán rất nhiều mặt hàng, từ hàng tiêu dùng gia đình, cho tới mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đủ loại, thậm chí bán cả thuốc dùng trong điều trị bệnh xương khớp.
Theo tra cứu trên hệ thống đăng ký tên miền, chủ sở hữu website hangmynoidia.com là người có tên Tu Huu Trang, địa chỉ liên hệ tại 83A Cô Giang, phường 4, TP. Vũng Tàu.
Còn tại trang web konni39vungtau.com, quảng cáo là "Siêu thị hàng Nhật nội địa", phía dưới trang web có logo “Đã thông báo Bộ Công Thương” nhưng khi phóng viên kiểm tra trên phần mềm quản lý website của Bộ Công Thương thì không có dữ liệu.
Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều website bán hàng chưa đăng ký với hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương theo quy định. Vấn đề này khiến cho câu chuyện hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng giả càng trở nên khó kiểm soát và là bài toán nan giải với các lực lượng chức năng.
Chế tài xử lý thế nào?
Theo Luật sư Đào Nguyên Thuật – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Hà Nội cho biết, pháp luật không có định nghĩa về khái niệm hàng "xách tay” mà chỉ quy định về hàng hóa nhập khẩu theo quy định và hàng hóa nhập lậu.
Về hàng hóa nhập lậu, đây là những hàng hóa rơi vào một trong các trường hợp theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020 của Chính phủ, gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Trang web treo logo “Đã thông báo Bộ Công Thương”... |
...nhưng khi kiểm tra trên phần mềm quản lý website của Bộ Công Thương thì không có dữ liệu - (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Chưa bàn đến việc hàng hóa có được nhập khẩu theo đúng quy định hay hàng nhập lậu, có thể những hàng hóa được quảng cá là hàng "xách tay” là hàng giả. Đây là điều mà người tiêu dùng dường như không mấy quan tâm mỗi khi tìm mua và sử dụng các loại hàng hóa "xách tay".
Liên quan đến hàng "xách tay” là nhập lậu, theo luật sư Thuật, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính trong trường hợp kinh doanh hàng nhập lậu với mức phạt từ 500 nghìn đồng đến 100 triệu đồng (đối với trường hợp vi phạm là tổ chức) và phạt gấp hai lần đối với các trường hợp “Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Ngoài ra, một số trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “buôn lậu” hoặc “trốn thuế”.
Trường hợp bán hàng giả, nếu chưa đến mức bị xử lý hình sự thì các hành vi bán hàng giả sẽ bị phạt hành chính lên đến 200 triệu đồng, theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Cùng với các quy định xử phạt hành chính liên quan đến vấn đề hàng nhập lậu, hàng giả. Việc các website có chức năng giỏ hàng và bán hàng không khai báo hay đăng ký thông tin đầy đủ với cơ quan chức năng cũng sẽ bị xử phạt theo quy định.
Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, các cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu không thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng; gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu doanh nghiệp không đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử, gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử...
Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định các website cần phải thông báo đăng ký với Bộ Công Thương, bao gồm: Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình; website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. |