Asanzo từng cáo buộc Hải quan gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng
Theo đó, năm 2018, một số cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng Tập đoàn Asanzo có dấu hiệu nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "Made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Liên quan đến những lùm xùm trên, tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Kết luận này cần báo cáo Thủ tướng trước 30/7, nhưng sau đó đã được lùi lại tới 30/8 do "tính chất phức tạp của vụ việc".
Ngày 30/8/2019, Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy do tổn thất quá lớn trong thời gian chờ kết luận thanh tra nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam".
Ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo (Ảnh: CTV). |
Theo chỉ đạo từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sau đó đã cử Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành kiểm tra đối với Tập đoàn Asanzo. Đến tháng 9/2019, Cục Kiểm tra sau thông quan là đoàn kiểm tra duy nhất của ngành Hải quan có thực hiện việc kiểm tra tại Asanzo.
Sau khi kiểm tra tài liệu xuất nhập khẩu hàng hoá, đối chiếu hồ sơ chứng từ, tiếp nhận giải trình của doanh nghiệp, ngày 15/8/2019, Cục Kiểm tra sau thông quan đã có kết luận kiểm tra đối Tập đoàn Asanzo. Theo bản kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ, Cục Kiểm tra sau thông quan đã kết luận rằng: “Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, số liệu, thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hoá tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu”.
Ngày 5/9/2019, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn cho Tập đoàn Asanzo. Công văn này nêu: “Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15/8/2019 gửi công ty”.
Từ văn bản trên, Asanzo cho rằng, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành Hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm vể xuất nhập khẩu. Vì thế, ngày 17/9/2019, Tập đoàn Asanzo đã tự tổ chức một cuộc họp báo với tựa đề “Asanzo được minh oan”.
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Văn Tam (Shark Tam), Chủ tịch Tập đoàn Asanzo cho biết, doanh nghiệp này đã hoạt động trở lại bình thường sau một thời gian đóng cửa.
Thời điểm trên, theo một số báo có nêu, ông Tam cho biết, công ty thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng vì nghi án "giả xuất xứ". Trong khoảng 3 tháng, doanh nghiệp này tiếp hơn 100 cán bộ kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, ban, ngành. Đây là một cuộc khủng hoảng toàn diện kéo dài với công ty, khiến hệ thống phân phối tê liệt, sản xuất kinh doanh đình đốn.
"89 ngày chờ đợi kết luận thanh tra, kiểm tra đã đưa những gì tôi gây dựng trong 20 năm về con số 0. Nhưng may mắn là chúng tôi vẫn trụ được đến hôm nay, và dù khó khăn, thiệt hại lớn như vậy nhưng chưa có cổ đông, ngân hàng nào công bố Asanzo nợ và đòi tiền" - ông Phạm Văn Tam nói.
Tuy nhiên,chỉ sau hơn một tháng tự tuyên bố oan ức, trong sạch và không có dấu hiệu của sai phạm, Tập đoàn Asanzo lại bị cơ quan chức năng chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, có yếu tố hình sự.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo từng tổ chức họp báo mang tên "Asanzo được minh oan" qua đó cho biết đã thiệt hại 1.000 tỷ đồng do nghi án "giả xuất xứ" (Ảnh: Openstock). |
Cụ thể, ngày 28/10/2019, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Tập đoàn Asanzo. Theo báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh về vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo và nhãn hiệu Asanzo của Tổng cục Hải quan, công ty này đã có dấu hiệu vi phạm với nhiều yếu tố.
Cụ thể, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Bộ Tài chính xác định dấu hiệu vi phạm cơ bản gồm: Vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu); việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo đã xâm phạm đến quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", cơ quan chức năng xác định quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như quảng cáo và việc sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.
Đối với các vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, cơ quan chức năng đã xác định nhóm hành vi vi phạm cơ bản của Tập đoàn Asanzo và các công ty (cùng có chữ Asanzo trong tên) đối với cả hàng xuất khẩu lẫn hàng lắp ráp để tiêu thụ trong nước.
Về hành vi vi phạm về trốn thuế, cơ quan chức năng cũng chỉ ra các sai phạm của Asanzo, trong đó có các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Sau đó, Tập đoàn Asanzo tiếp tục bị điều tra và bị truy thu hàng chục tỷ đồng liên quan đến hành vi trốn thuế.
Mới đây nhất, ngày 23/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo) và ông Phạm Xuân Tình (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo). Hai người này bị khởi tố về tội Trốn thuế theo khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự và bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo kết quả điều tra, ông Phạm Xuân Tình đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Phạm Văn Tam ký nhiều hợp đồng nguyên tắc với các công ty để mua linh kiện, phụ kiện máy điều hòa nhiệt độ.
Còn ông Phạm Văn Tam bị cáo buộc đã chỉ đạo ông Phạm Xuân Tình ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty Việt Tài, Công ty An Thiên, Công ty Trần Thoàn, sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty Điện lạnh Asanzo thuộc Tập đoàn Asanzo.
Đồng thời, kết luận giám định của cơ quan thuế xác định từ năm 2017 đến quý II/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo có hành vi trốn thuế đối với thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, với tổng số tiền 15,7 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là gần 4,2 tỷ đồng và thuế tiêu thụ đặc biệt là 11,5 tỷ đồng).
Theo báo cáo, từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2019, Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”. Qua tra cứu trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế và kết quả xác minh tại UBND phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng, Tổng cục Hải quan xác định có 14 công ty bỏ trốn; 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, 7 công ty ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và 32 công ty đang hoạt động. Bên cạnh đó, thực tế kiểm tra, xác minh cũng cho thấy có tình trạng các công ty treo biển nhưng không có hoạt động, địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật, một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên cổng thông tin chưa cập nhật thông tin. Đáng lưu ý, có tình trạng qua xác minh chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ. Về hoạt động xuất nhập khẩu của Tập đoàn Asanzo, từ ngày 20/10/2016 đến 30/6/2019, đơn vị này làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu 171,6 triệu đồng; mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp tivi, cáp tín hiệu, logo bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu tivi… Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc. Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có báo cáo gửi Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia liên quan đến Asanzo. Theo kết quả kiểm tra đối với 38 doanh nghiệp do Sở KH&ĐT và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cung cấp, rất nhiều địa chỉ không có thực hoặc doanh nghiệp đã dừng hoạt động. |