Áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử: Thuận lợi cho người bệnh
Thuận tiện cho bệnh viện và người bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, quản lý hồ sơ sức khỏe là cần thiết. Việc mỗi cá nhân có hồ sơ điện tử sẽ giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh tốt hơn, giúp cán bộ y tế thuận tiện trong quản lý hồ sơ.
Hồ sơ bệnh án điện tử giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục vào viện |
Thông thường, người bệnh khi đi khám sẽ phải mua sổ KCB, rồi trình các giấy tờ cần thiết như thẻ bảo hiểm y tế… nhưng khi có hồ sơ bệnh án điện tử mỗi người dân thông qua mã định danh và các thông tin bảo mật khác như số điện thoại, số chứng minh nhân dân... sẽ biết tình trạng sức khỏe của mình. Điều này tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB ở bất kỳ cơ sở y tế nào và bác sỹ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, nhất là trong những trường hợp cấp cứu.
Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp bác sỹ có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác. Việc thông tin về KCB của người bệnh thông suốt, minh bạch cũng giúp cho quản lý chi phí KCB bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.
Thực tế, tại Bệnh viện Quân Y 110 Bắc Ninh, khi thí điểm triển khai áp dụng, lịch sử KCB của từng bệnh nhân đã được cập nhật vào bệnh án điện tử, đồng thời, tự động kết nối với bảo hiểm xã hội trong chi trả bảo hiểm y tế.
Còn tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, hơn 2 năm thí điểm triển khai, các bác sỹ tại đây không còn phải ôm những tập bệnh án dày, nặng mỗi khi hội chẩn. Bằng việc trang bị máy tính bảng kết nối internet, mọi thông tin về người bệnh được tra cứu đơn giản, thuận tiện. Người bệnh rút ngắn được thời gian điều trị, còn các bác sỹ tăng hiệu suất KCB.
Năm 2028 mở rộng trên toàn quốc
Theo Bộ Y tế, nguyên tắc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử là mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án tại một cơ sở KCB. Hồ sơ này phải đáp ứng các yêu cầu như: Ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử. Hồ sơ bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế.
Để các cơ sở KCB chủ động thực hiện, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2023, thời điểm này, các cơ sở KCB hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định. Các cơ sở KCB khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Giai đoạn 2 từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở KCB chưa triển khai được phải thực hiện báo cáo cơ quan quản lý trực thuộc. Văn bản báo cáo phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu, hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân. Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân bảo đảm liên thông, đồng bộ… |