Áp dụng bộ Tiêu chuẩn du lịch ASEAN: Nâng cao chất lượng điểm đến của TP. Hồ Chí Minh
Sự cần thiết áp dụng Tiêu chuẩn du lịch ASEAN
Các quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN để chuẩn hóa dịch vụ du lịch của khu vực nhằm xác định khung tiêu chí, yêu cầu cơ bản đối với sản phẩm dịch vụ du lịch. Và thống nhất thực hiện nhằm nâng cao chất lượng du lịch ASEAN, xây dựng ASEAN trở thành một điểm đến chung chất lượng.
TP. Hồ Chí Minh - điểm đến hấp dẫn thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới (Ảnh Hữu Long) |
Mặt khác, chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016-2025 xác định tầm nhìn đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành "điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong toàn khu vực”.
Với vai trò là đầu tàu, trung tâm du lịch của cả nước, nhằm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có hiệu quả và thiết thực, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững, hài hoà và thống nhất, sáng ngày 31/5, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Triển khai tiêu chuẩn Du lịch ASEAN”.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện cùng 100 đại biểu là các chuyên gia, đơn vị kinh doanh đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, đại diện các cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Thông qua Hội nghị lần này, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh mong muốn đại biểu, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch quan tâm theo dõi các nội dung quan trọng của các chuyên gia sẽ chia sẻ. Theo đó, mỗi doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch về thời gian và lộ trình áp dụng Tiêu chuẩn du lịch ASEAN. Đồng thời, xây dựng các giải pháp giải quyết những khó khăn để tập trung nâng cao chất lượng, nâng tầm ảnh hưởng đủ sức cạnh tranh trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thiết đánh giá hiệu quả, năng lực của đội ngũ nhân sự, người lao động đang làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch; qua đó, tiếp tục duy trì việc chấn chỉnh về đạo đức nghề nghiệp, thái độ làm việc nhằm tăng mức độ hài lòng của du khách.
Nhằm trao đổi, chia sẻ Tiêu chuẩn du lịch ASEAN, các giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành du lịch, các giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm góp phần tối ưu hoá trong công tác quản lý và kinh doanh đến với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tại hội nghị các chuyên gia đã chia sẻ trình bày các tham luận liên quan đến bộ Tiêu chuẩn du lịch ASEAN.
Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã trình bày những điểm chính của bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN |
Theo đó, bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã trình bày những điểm chính của bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN. Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh trình bày bài tham luận về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi với khí hậu trong hoạt động du lịch…
“Sau hội nghị, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố có thể thuận lợi áp dụng rộng rãi. Từ đó, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh chắc chắn có sự phát triển bền vững, có thương hiệu tầm quốc tế đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong cùng khu vực” - Sở Du lịch kỳ vọng.
Nâng tầm ngành du lịch Thành phố hội nhập quốc tế
TP. Hồ Chí Minh được biết đến là một trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch sôi động nhất cả nước và thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Những năm gần đây, ngành du lịch Thành phố đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh: Áp dụng Tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn cho du khách |
Trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, trang bị kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực, thường xuyên nâng cấp các dịch vụ tiện ích để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, để thích ứng với xu thế phát triển chung của khu vực và quốc tế, việc chuẩn hóa dịch vụ của các cơ sở dịch vụ du lịch trong cả nước nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng là điều kiện quan trọng, cần thiết trong lộ trình phát triển, nâng cao chất lượng điểm đến của TP. Hồ Chí Minh.
Do đó, một trong những giải pháp tiên quyết để triển khai là học tập và áp dụng mô hình của Tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành du lịch TP, Hồ Chí Minh.
Cụ thể, việc áp dụng tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn cho du khách. Trong đó, ứng dụng các quy chuẩn và quy định về an ninh, an toàn, vệ sinh và môi trường theo Bộ tiêu chuẩn ASEAN sẽ là cơ sở để du khách được bảo vệ và có trải nghiệm du lịch tốt nhất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch áp dụng theo Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN trong việc thiết kế, xây dựng sẽ tạo sự tin tưởng cho khách du lịch. Đặc biệt, việc áp dụng rộng rãi Tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ tạo ra một môi trường du lịch tốt nhất, đảm bảo cho du khách được trải nghiệm thoải mái và an tâm khi tham gia các hoạt động du lịch tại Thành phố. Điều này sẽ tăng cường niềm tin và hài lòng của du khách, đồng thời xây dựng uy tín cho TP. Hồ Chí Minh như một điểm đến du lịch đáng tin cậy.
Ngoài ra, việc áp dụng Tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ giúp đảm bảo rằng các hoạt động du lịch tại Thành phố được thực hiện một cách bền vững và nâng tầm ngành du lịch Thành phố hội nhập quốc tế. Tiêu chuẩn này đặt ra các yêu cầu về quản lý và giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững và xử lý chất thải một cách hiệu quả. Bằng cách tuân thủ tiêu chuẩn này, TP. Hồ Chí Minh có thể giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và duy trì sự cân bằng hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.