CôngThương - Theo Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2011 được ADB công bố ngày 14/9/2011 tại Hà Nội, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã tạo ra được những kết quả bước đầu trong việc góp phần ổn định tỷ giá ngoại hối, cho phép nâng cao mức dự trữ ngoại tệ và giảm tốc độ tăng lạm phát theo tháng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2011. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để Việt Nam có thể nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô bởi lạm phát tính theo năm vẫn ở mức trên 20%. Việc nới lỏng chính sách quá sớm có thể làm giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, làm mất niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vào đồng Việt Nam, và gây ra sức ép sụt giảm dự trữ ngoại tệ.
Bất chấp việc tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong tháng 8/2011 vẫn tăng cao lên mức 23,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát cao có nguyên nhân từ việc giá lương thực tăng vọt và ảnh hưởng tác động từ tăng trưởng tín dụng nhanh trong năm 2010, cũng như những tác động chậm của những lần điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB Dominic Mellor Dominic Mellor, lạm phát tại Việt Nam cả năm 2011 sẽ ở mức 18,7% (cao nhất trong khu vực Đông Á). Như vậy, việc khống chế lãi suất huy động ở 14% sẽ không khuyến khích người dân nắm giữ tiền đồng. Với mặt bằng lãi suất hiện tại, lợi ích của người giữ tiền đồng chưa được đảm bảo. Ông Dominic Mellor đưa ra cảnh báo: khi niềm tin vào tiền đồng không còn, người dân sẽ có xu hướng hoán đổi phương tiện cất trữ này để chuyển sang nắm nội tệ hoặc các tài sản khác. Đồng tiền mất giá cũng đồng nghĩa với lạm phát leo thang trở lại. “Việt Nam cần hết sức thận trọng khi triển khai các biện pháp này trong điều kiện lạm phát còn cao như hiện nay”- ông Dominic Mellor khuyến nghị.
Chất lượng tín dụng ngân hàng suy giảm cũng là nguy cơ rủi ro đối với nền kinh tế. Việc thắt chặt kinh tế vĩ mô, sau một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh, thường tạo áp lực đối với người vay và các ngân hàng. Theo ADB, mức tăng trưởng tín dụng bằng đôla Mỹ lên tới 23% trong 6 tháng đầu năm (so với mức trung bình 7% của toàn hệ thống) càng làm tăng nguy cơ này. Mức tăng trưởng này có thể khiến đồng Việt Nam phải chịu áp lực giảm giá khi mà những khoản vay (phần lớn là ngắn hạn) đến kỳ thanh toán. Điều này phản ánh ở chênh lệch giá mua vào và bán ra trái phiếu chính phủ và hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đã tăng lên 400 điểm cơ bản trong tháng 8/2011, mức cao nhất kể từ tháng 5/2009.
Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2011 dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2011 thấp hơn, giảm từ 6,1% xuống 5,8%, và sẽ tăng nhanh trở lại ở mức 6,5% trong năm 2012. Lạm phát được dự đoán sẽ giảm dần xuống mức 18,7%, vẫn duy trì ở mức cao chủ yếu do giá lương thực tăng cao, sau đó sẽ giảm xuống mức 11% trong năm tới.
Đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan quản lý Việt Nam trong việc khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên trước mắt, nhưng ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn trong việc cải cách cơ cấu. Những cải cách này bao gồm việc giảm dần những nút thắt cổ chai trong sản xuất và lưu thông (bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp), bảo đảm an toàn cho ngành tài chính, tăng cường hiệu quả đầu tư công, và áp đặt những nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp lớn của Nhà nước.