Chủ tịch ADB Takehiko Nakao giao lưu với các Startup Đà Nẵng |
Tại buổi làm việc, ông Takehiko Nakao cho rằng, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung có thể xây dựng một nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo. Để cải thiện sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì tinh thần kinh doanh và đổi mới sẽ là động lực chính để tăng trưởng và thích ứng với công nghệ mới. Hiện tại đang có làn sóng mới về động lực ở Việt Nam xung quanh việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tuy nhiên, những thách thức lớn vẫn còn tồn tại. Các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đối tác kinh doanh, nguồn vốn, quỹ đầu tư, ưu đãi khởi nghiệp còn mờ nhạt….
Theo ông Takehiko Nakao, để Việt Nam trở thành một quốc gia đổi mới, cần cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối, bên cạnh đó, phải nâng cao khả năng đổi mới về giải pháp công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực - có thể thông qua thương mại hóa việc nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu.
Chủ tịch ADB trao đổi với lãnh đạo DNES |
Những cam kết hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là tập trung vào đổi mới và tăng trưởng năng suất. ADB sẽ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân; hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị quan trọng và cuối cùng là hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái đổi mới kinh doanh ở Việt Nam. ADB sẽ tiếp tục tham gia vào hệ sinh thái đổi mới kinh doanh của Việt Nam tại Đà Nẵng. Điều này sẽ bao gồm hỗ trợ cho các vườn ươm doanh nghiệp địa phương và các chương trình tăng tốc giúp các nhà cung cấp giải pháp công nghệ toàn cầu kết nối với các đối tác địa phương để triển khai và mở rộng quy mô công nghệ. Trong đó cuộc thi công nghệ tài chính và Startup du lịch là một trong những điển hình đã triển khai.
ADB thông qua Sáng kiến kinh doanh Mekong (MBI) do Chính phủ Úc (DFAT) tài trợ, đang hỗ trợ cho Hội đồng Điều phối khởi nghiệp Đà Nẵng và Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), giúp các công ty khởi nghiệp địa phương phát triển và tạo ra tác động xã hội. DNES cung cấp các dịch vụ khác nhau bao gồm không gian làm việc chung, tư vấn, đào tạo khởi nghiệp, tài trợ,… DNES ưu tiên các ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố, bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ sạch và đổi mới du lịch.
Tính đến nay, ADB đã tài trợ khoảng 16 tỷ USD cho Việt Nam. Trong đó, ADB đã hợp tác với Việt Nam để đào tạo khoảng 35.000 giáo viên, xây dựng hơn 5.000km đường quốc lộ và tỉnh, và lắp đặt 1.400 MW công suất năng lượng tái tạo. Đồng thời, ADB đã giúp nâng cấp gần 2.000km đường dây truyền tải điện quốc gia, cung cấp nước sạch cho hơn 265.000 hộ gia đình, và cải thiện thực hành quản lý nông nghiệp và lũ lụt trên 200.000ha đất dễ bị tổn thương.