870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV
Cơ cấu kết hợp chung của cả nước như sau: 339 người ứng cử là phụ nữ, chiếm tỷ lệ 38,97%; 204 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 23,45%; 97 người ứng cử là người ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ 11,15%; 168 người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIII tái cử, chiếm tỷ lệ 19,31%; 268 người ứng cử là người trẻ (dưới 40 tuổi), chiếm tỷ lệ 30,8%.
Với vấn đề được rất nhiều người quan tâm là tại sao rất nhiều người được địa phương, cơ quan công tác giới thiệu làm đại biểu quốc hội với tỷ lệ đồng thuận lên đến 100% nhưng lại “rớt” sau vòng Hiệp thương thứ 3 và không trúng cử vào danh sách đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội luôn hoan nghênh những người tự ứng cử vì số lượng người tự ứng cử càng đông thì càng thể hiện nguyện vọng của nhân dân rất quan tâm và muốn đóng góp vào Quốc hội.
“Thời gian qua, đã có nhiều người dân đã nộp đơn xin tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội nhưng sau khi đối chiếu với những điều kiện của người tự ứng cử, qua cơ quan và khu vực cư trú, qua các vòng Hiệp thương thì không đủ phiếu trúng cử đại biểu Quốc hội. Đây là điều hết sức bình thường và đã được pháp luật quy định chặt chẽ” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo sẽ được ưu tiên bầu cử sớm. Đơn cử như Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bầu cử sớm 20 ngày, đảo Thổ Châu - Phú Quốc được bầu cử sớm 3 ngày…
Cơ cấu các ứng cử viên đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này rất được quan tâm, trong đó nhiều ý kiến quan tâm đến số lượng đại biểu là nữ giới và đồng bào dân tộc thiểu số. Với các đại biểu là nữ giới và đồng bào dân tộc thiểu số, ông Trần Văn Túy - Trưởng ban công tác đại biểu cho biết, số lượng nữ giới và đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số ứng cử trong Quốc hội khóa tới tăng cao hơn so với kỳ trước. Để các đại biểu này gặp nhiều thuận lợi trong việc kêu gọi bầu cử, nhiều hoạt động đã được triển khai như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức chương trình tập huấn riêng cho ứng viên nữ. Hai diễn đàn cũng được tổ chức để truyền đạt kinh nghiệm, trang bị kiến thức cho ứng viên nữ. Các địa phương cũng phối hợp với Hội đồng dân tộc tổ chức các chương trình truyền đạt kinh nghiệm cho người ứng cử là đồng bào dân tộc thiểu số.
Những người ứng cử đại biểu Quốc hội là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng đã được phân bố đều tại các địa phương. Quan điểm của Hội đồng bầu cử Quốc gia là các đồng chí này đều phải đi vào khu vực vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên, cơ cấu ra sao để phù hợp với các vùng miền là điều được xem xét kỹ lưỡng.
Đối với cử tri là người tạm giam tạm giữ, do vẫn có quyền công dân nên các cử tri này vẫn được phép đi bỏ phiếu dưới nhiều hình thức như dùng hòm phiếu di động.
Trước ý kiến lo ngại rằng việc giảm số lượng đại biểu Quốc hội là doanh nhân liệu có giảm tiếng nói của đội ngũ này trong Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, Quốc hội khóa XIII có 6 đại biểu Quốc hội là doanh nhân. Quốc hội khóa XIV, con số này là 7 người, như vậy số lượng tăng lên chứ không giảm. Điều quan trọng hơn cả là khi thông qua bất cứ điều Luật nào, Quốc hội đều lấy ý kiến của các Hiệp hội - cơ quan đại diện cho tiếng nói của DN. Cho nên không cần lo ngại tiếng nói của đội ngũ này giảm trong Quốc hội.
Ngày bầu cử sẽ là ngày 22/5/2016. Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ là 500 người.