Thứ ba 29/04/2025 15:08

“5 năm là thành viên WTO – Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập?”

Đó là chủ đề của hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Dự án MUTRAP III tổ chức ngày 29/2/2012, tại Hà Nội. Và đó cũng là vấn đề đặt ra nhằm đánh giá các kết quả đàm phán cũng như thực thi cam kết WTO của Việt Nam trong 5 năm đầu tiên gia nhập WTO cùng những thành công đạt được và cả những kỳ vọng chưa thành.

 -  Những đánh giá đó sẽ làm cơ sở, căn cứ cho các nhà đàm phán, các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam có thêm những bài học kinh nghiệm quý giá, đặc biệt trong thời gian tới Việt Nam cũng đang đứng trước những đàm phán mở cửa thị trường mới với nhiều quốc gia và khu vực thị trường lớn thông qua các hiệp định FTA, TPP  đầy phức tạp và nhiều khó khăn.

Với hình thức tổ chức trao đổi trực tiếp giữa cử tọa và khách mời là các nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế qua từng phiên thảo luận, đã từng bước lý giải và bình luận các vấn đề liên quan, những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, được và mất của nền kinh tế Việt Nam sau 5 năm là thành viên chính thức của WTO.

Tại phiên thứ nhất, với chủ đề "Những ngày đàm phán không quên", hai khách mời là ông Trương Đình Tuyển -Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại; ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại và hiện là Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam đã đem đến cho hội thảo câu chuyện của người tuyến đầu, chiến lược đàm phán WTO – những điều tâm đắc, những kỳ vọng chưa thành và lời nhắn nhủ cho những người kế cận hôm nay; hay những câu chuyện kỹ thuật phía sau bàn đàm phán và chia sẻ bài học kinh nghiệm cho các đàm phán FTA hiện nay và tương lai . Theo ông Tuyển, để thành công, chúng ta cần phải chọn và xác định được đúng đối tác đàm phán. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa có tính chất sống còn, vừa đỡ tốn công sức. Chẳng hạn, trong một “rừng” đối tác mà ta phải đàm phán có rất nhiều “ông” lớn có sức ép cũng rất lớn. Đó là, EU, Hoa Kỳ đều là những thị trường rộng lớn, còn ở gần ta có Trung Quốc. Còn những thị trường khác, họ thường dựa vào những “ông lớn" này để đặt ra những yêu cầu tương tự cho ta khi tiến hành đàm phán… Một vấn đề nữa mà ông Tuyển lưu ý muốn nhắn nhủ là trong đàm phán, việc kiên định lập trường là rất quan trọng. Ông Lương Văn Tự thì chia sẻ, để đàm phán thành công thì công tác chuẩn bị trong nước rất quan trọng, đó là phải có cơ chế, nhân lực, tài lực… việc vận động hành lang, tranh thủ các đối tác và phải biết đột phá từ đâu.

Bà Phạm Chi Lan –chuyên gia cao cấp, Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nam cho rằng: nhìn lại cả một quá trình thì về mặt cơ hội, có lẽ Việt Nam đã tự mình vượt qua mình, xây dựng được nền kinh tế thị trường, phát triển kinh tế trong nước cũng như phát triển các quan hệ kinh doanh hết sức quan trọng từ bên ngoài để chớp lấy thời cơ thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và cải thiện nhập khẩu theo hướng tìm kiếm thêm được các nguồn lực hỗ trợ cho nền kinh tế. Riêng về kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng những năm vừa qua rất ấn tượng với mức tăng bình quân là hơn 17%/năm. Đặc biệt, có những khu vực mà ban đầu chúng ta chưa hình dung được là tăng trưởng tốt như khu vực xuất khẩu nông sản thì trên thực tế lại rất thành công. Trước đó, có rất nhiều những mối lo ngại rằng, khi dỡ bỏ trợ cấp của Nhà nước đối với xuất khẩu nông sản sẽ khiến nông dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra mà ngược lại, nông dân đã vượt được thách thức khá tốt cũng như đã tận dụng được thời cơ thị trường để phát triển. Đặc biệt, năm 2011vừa qua rất khó khăn, và nếu không tham gia WTO thì thử hỏi làm sao chúng ta vượt qua được khó khăn, thách thức lớn như vậy!

Tại phiên thứ hai, với chủ đề "5 năm đã qua và bài học cho nhiều năm tới", TS Võ Trí Thành- Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW cho rằng “Sự tương tác giữa đổi mới, cải cách kinh tế trong nước và hội nhập WTO đã trở nên rõ ràng hơn với những thay đổi trong thể chế khi bộ máy nhà nước đã có những thay đổi nhất định (số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ giảm từ 26 xuống còn 23); cải cách hành chính và cơ chế một cửa tiếp tục được thực hiện (chương trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính một cách toàn diện giai đoạn 2007 – 2010; quyết định 93/2007/QD-TTg tháng 6-2007 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa)”. Có thể thấy, những đốm sáng trong đổi mới thể chế của Việt Nam sau khi gia nhập WTO như sự ra đời Nghị định 30 của Chính phủ về vấn đề giảm bớt 30% thủ tục.Việt Nam đã dần nhận biết rõ hơn thể chế thị trường và nền kinh tế thế giới, từ đó tìm cách ứng phó cơ động, linh hoạt hơn.

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã sửa và xây dựng 86 luật, tạo điều kiện để phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, phù hợp với nguyên tắc của WTO. Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, nhờ môi trường ổn định, minh bạch. Xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục, sau 5 năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 97,7%, năm 2011 đã đạt 96,3 tỷ USD. Dịch vụ phân phối, bán lẻ phát triển mạnh, sự ra đời của các siêu thị, trung tâm thương mại và hàng trăm cửa hàng tiện ích đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ, thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương- Giám đốc Dự án EU-Việt Nam MUTRAP 3,  các thành quả gia nhập WTO chưa được như mong muốn. Nguyên nhân sâu xa là cơ thể kinh tế nước ta vẫn còn yếu kém, chưa thể hấp thụ, chuyển hoá những cơ hội thành hiện thực, trong khi chưa giải quyết hết khó khăn do hội nhập mang đến. Nguyên do là năng lực cạnh tranh của hàng hoá nước ta ở cả 3 cấp quốc gia, ngành hàng, doanh nghiệp còn kém, nên giá thành sản phẩm còn cao, phẩm cấp thấp so với chuẩn quốc tế, chất lượng phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Chưa có chính sách ổn định lâu dài, hệ thống pháp lý đồng bộ để phát huy mọi nguồn lực trong nước, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Do vậy, việc thực hiện cam kết mở cửa thị trường khi gia nhập WTO đã dẫn đến tình trạng rất nhiều doanh nghiệp thua ngay trên sân nhà.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong chặng đường sắp tới khi hội nhập đầy đủ và sâu rộng hơn. Các đại biểu  tham dự hội thảo kiến nghị: Việt Nam cần đẩy mạnh và tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tận dụng tốt các cơ hội từ WTO để phát triển kinh doanh; biến thách thức thành thời cơ, hội nhập thành công vào kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong năm 2012 này, khi Việt Nam tiến hành đổi mới cấu trúc nền kinh tế đi đôi với đổi mới mô hình tăng trưởng, thì hơn lúc nào hết, càng cần phải ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý các vấn đề lạm phát, thâm hụt thương mại, củng cố khả năng quản lý, sự năng động của hệ thống tài chính-tiền tệ; đầu tư, đổi mới công nghệ và năng lực quản trị kinh doanh, đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đi đôi với việc cải cách hành chính; đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đào tạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, chủ động thực hiện các chính sách theo lộ trình hội nhập.

Kim Hiền

baocongthuong.com.vn