Cán bộ, đảng viên tiên phong và thực hành việc nêu gương Hiệu quả mô hình "Đảng viên 5 cộng 1” tại xã miền núi tỉnh Đắk Nông |
Đảng viên xuống gần dân, hiểu dân và giúp dân
Mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo” không chỉ đem đến nguồn động viên cho hộ nghèo mà còn thể hiện sự gần gũi, gắn bó giữa đảng viên và người dân. Sự hỗ trợ vật chất của đảng viên cho hộ nghèo thực hiện theo đúng phương châm là hỗ trợ cần câu.
Mô hình 5 đảng viên giúp đỡ 1 hộ dân thoát nghèo phát huy hiệu quả |
Xác định mô hình “5 Đảng viên giúp đỡ 1 hộ dân thoát nghèo” là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời để cán bộ đảng viên gần dân, sát dân, hiểu dân hơn. Từ đầu năm 2020 huyện ủy Đắk Song đã triển khai mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo”, đến 32 tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện.
Bà Phạm Thị Thúy - Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Đắk Song, tỉnh Đắk Nông huyện Đắc Song cho biết: Đắk Song là một trong những huyện khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Toàn huyện Đắk Song có 8 xã, 1 thị trấn, thì có 3 xã gồm Trường Xuân, Đắc Mol, Đắc N’Drung có tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cao. Trong đó huyện uỷ Đắc Song đã phân công 647 đảng viên của 32 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, tham gia cùng 711 Đảng viên của 3 xã Trường Xuân, Đắc Mol và Đắk N’Drung phối hợp xây dựng kế hoạch, lên phương án giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Với 5 xã và thị trấn Đức An, có tỷ lệ hộ nghèo thấp, huyện uỷ Đắk Song giao nhiệm vụ cho Đảng bộ các xã, thị trấn phân công Đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị vào cuộc khảo sát hộ nghèo, lên phương án giúp đỡ theo cách làm của mô hình.
Theo đó 9/9 xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch và chia tổ phân công giúp đỡ hộ nghèo. Đồng thời cử cán bộ, đảng viên thực hiện khảo sát tình hình hộ nghèo, lên phương án hỗ trợ và thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo kịp thời, trong từng tháng, từng quỹ. Bằng những hình thức giúp đỡ đa dạng với từng hoàn cảnh cụ thể, áp dụng phương pháp "cho cần câu không cho con cá", các đảng viên đã sát cánh cùng các hộ nghèo trên con đường vượt khó.
Những hình thức giúp đỡ đa dạng thiết thực |
Bà Thúy chia sẻ: Điều quan trọng nhất của mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo” chính là cán bộ đảng viên của huyện đều xuống gần dân, hiểu dân và giúp dân. Kết quả sau hơn 2 năm thực hiện mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo” cho thấy, nhóm đảng viên được phân công hộ nghèo tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình; khơi gợi lòng tự trọng để người nghèo chủ động, quyết tâm vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất; tặng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi; xây dựng chuồng trại chăn nuôi; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; tư vấn chi tiêu tiết kiệm, phòng chống tệ nạn xã hội và thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Ngoài ra, nhóm đảng viên còn vận động các nguồn hỗ trợ ngoài cộng đồng và sự đóng góp trực tiếp của đảng viên để xây dựng, sửa chữa nhà ở, đào giếng nước, xây dựng các công trình phụ phục vụ đời sống và bảo đảm sản xuất cho hộ nghèo.
Nhiều cách làm, giải pháp hiệu quả
Để triển khai mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo” thiết thực hiệu quả, Đảng ủy xã Trường Xuân ban hành Quyết định thành lập Tổ tư vấn thực hiện mô hình “5 đảng viên giúp đỡ 1 hộ dân thoát nghèo” nhằm phối hợp với các chi bộ, các thôn, bon rà soát, lập danh sách các hộ nghèo cần giúp đỡ và tư vấn việc giúp đỡ hộ nghèo cho các nhóm có nhu cầu, theo dõi tiến độ thực hiện của các nhóm.
Sau khi được phân công các nhóm đảng viên đã chủ động xuống thăm, tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh của hộ nghèo, nguyên nhân nghèo và bàn bạc, thống nhất phương án, kế hoạch giúp đỡ của nhóm. Từ điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu cần giúp đỡ của hộ nghèo, các nhóm đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ với nhiều hình thức khác nhau, trong đó đã tập trung vào một số giải pháp chính như: Tuyên truyền cho hộ nghèo hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình, khơi gợi lòng tự trọng để người nghèo chủ động, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của gia đình, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước hay tổ chức, cá nhân khác.
Vận động hộ nghèo phát huy những nguồn lực sẵn có của gia đình như đất đai, ao hồ, cây trồng, vật nuôi, nguồn lao động để tập trung đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần tăng nguồn thu nhập của gia đình. Tư vấn vay thêm vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại để đầu tư cho sản xuất, nhất là chăm sóc cho các loại cây trồng sẵn có đồng thời cải tạo đối với vườn cây già cỗi, kém hiệu quả, trồng thêm các loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng, điều, cà phê. Tư vấn phát triển chăn nuôi dê, heo, ngan, gà tùy theo điều kiện và nhu cầu của hộ nghèo. Thực hiện việc chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, giảm bớt sử dụng rượu bia, không để các thành viên trong gia đình bị sa vào các tệ nạn xã hội như bài bạc, ma túy. Tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Hỗ trợ gia đình sửa chữa nhà cửa, xây nhà vệ sinh, đào giếng, mua máy móc phục vụ sản xuất, phân bón, cây con giống, thức ăn chăn nuôi, làm chuồng trại chăn nuôi...
Trong năm 2022, Đảng ủy xã Trường Xuân đã phối hợp phân công 94 nhóm giúp đỡ 93 hộ nghèo (1 hộ không có mặt thường xuyên tại địa phương), có 52 hộ thoát nghèo (chiếm 55,3%), trong đó có 39 hộ chuyển sang hộ cận nghèo.
Hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây cà phê |
Kết quả này góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn xã Trường Xuân năm 2022 là 2,2% (đạt chỉ tiêu của Đảng ủy đề ra), trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 11,4% (nghị quyết là 5%) Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội giúp đỡ 7 hộ, kết quả có 6 hộ thoát nghèo, trong đó 1 hộ chuyển sang hộ cận nghèo. Xã Trường Xuân hiện có 110 nhóm đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo. Đến nay, các nhóm đã giúp đỡ được 73 hộ thoát được nghèo.
Cụ thể như gia đình bà Trần Thị Mầu, tại bon Jâng Plei 3, xã Trường Xuân là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhận thấy, nhu cầu của gia đình bà Mầu là cây con giống, kỹ thuật, ngày công, vốn đầu tư…, nhóm 5 đảng viên của Chi bộ bon Jâng Plei 3 đã lên kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện giúp bà thoát nghèo. Từ đóng góp của các thành viên và vận động, kêu gọi, nhóm đã hỗ trợ 1 cặp dê giống, 100 con gà giống, 30 cây bơ giống và thức ăn chăn nuôi, phân bón. Bên cạnh đó, nhóm đề xuất với cơ quan chức năng hỗ trợ các chính sách theo quy định như cho vay thêm vốn để giúp bà Mầu vươn lên thoát nghèo.
Cung cấp đàn dê để phát triển chăn nuôi |
Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Sinh bon Jâng Plei 3, xã Trường Xuân trong đó ngôi nhà gia đình chị đang ở nhiều năm chưa làm được sổ đỏ, các đảng viên trong nhóm được phân công đã giúp đỡ gia đình làm sổ đỏ. Đồng thời cung cấp dê giống để gia đình chăn nuôi, tặng một máy cắt cỏ cho gia đình có thêm việc làm và thu nhập. Trước đây thu nhập của gia đình không được 500 nghìn đồng/tháng, nhờ có sự giúp đỡ của mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo” đến nay công việc ổn định và đã thoát nghèo. Hiện gia đình chị Sinh đã mua được chiếc tủ lạnh và một chiếc máy để bán nước mía kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Tương tự từ việc triển khai mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo”, trong 2 năm qua xã Đắc Mol đã giảm nhanh hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2020 mô hình đã giúp xoá 41 hộ nghèo; năm 2021 giúp 16 hộ thoát nghèo và kế hoạch năm 2022 này hỗ trợ 21 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo của Đắc Mol hiện còn 5%. Tiêu biểu như hộ Y Kan, trú bon A3, xã Đắk Mol, là một trong số 41 hộ được hỗ trợ thoát nghèo trong năm 2020.
Được biết, trước khi được hỗ trợ từ chương trình, cuộc sống của 3 thành viên trong gia đình Y Kan gặp nhiều thiếu thốn do không có đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư và nhà ở tạm bợ. Khi được các đảng viên trong các chi bộ hỗ trợ về vay vốn, tạo việc làm, xây dựng trao tặng căn nhà với kinh phí hơn 50 triệu đồng, thay thế nhà ở tạm bợ. Nay cuộc sống của gia đình Y Kan đã ổn định.
Với hộ nghèo Nguyễn Thị Thao, trú thôn E29, xã Đắk Mol, năm 2021 được nhóm đảng viên của các chi bộ bon Rlông, chi bộ thôn Đắc Sơn 1, chi bộ thôn E29 hỗ trợ về giống và chuồng trại phát triển chăn nuôi đàn dê, cải tạo vườn cà phê. Trong năm 2021, gia đình chị Thao đã có thêm nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng và đầu năm 2022 ra khỏi diện nghèo.
Có thể thấy, mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo” ở Đắk Song đang tạo làn gió mới thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo một cách bền vững. Qua thời gian triển khai, mô hình đã được đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Việc giúp đỡ hộ nghèo thiết thực còn là cách để cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, củng cố hơn nữa niềm tin của dân đối với Đảng.