CôngThương - Tiêu hủy 129 tấn thủy, hải sản nhập lậu
Ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT)- cho biết, lực lượng QLTT đã cố gắng, nỗ lực trong kiểm tra, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đối với việc kiểm tra, kiểm soát thực phẩm “bẩn”, như câu hỏi của đại diện một số cơ quan báo, đài, ông Lam chia sẻ: Dư lượng thuốc kháng sinh trong rau sản xuất trong nước cao hơn gần 8 lần mức cho phép. Thực phẩm thẩm lậu qua biên giới cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ…
Để giải quyết vấn đề trên, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp đưa sản xuất phát triển; hệ thống chính sách thiết lập cơ chế phân phối phải tốt, để thực phẩm đến tay người tiêu dùng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cá tầm nhập lậu đang gây lo lắng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước. Về vấn đề này, theo ông Đỗ Thanh Lam, trong năm 2012, các lực lượng chức năng đã tịch thu tiêu hủy 15 tấn thủy, hải sản nhập lậu các loại. Còn từ đầu năm 2013 đến nay, tiêu hủy 129 tấn thủy, hải sản các loại trong đó có cá tầm, cá da trơn… Riêng QLTT đã tiêu hủy gần 30 tấn.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên do đối tượng buôn lậu có thủ đoạn tinh vi; có sự móc ngoặc giữa trong và ngoài nước; hợp thức hóa bằng cách đưa vào trại chăn nuôi trong nước thực phẩm nhập lậu. Việc xác minh nguồn gốc, xuất xứ khó khăn, “đã xuất hiện giấy tờ xuất xứ khống”- ông Lam nhấn mạnh.
Với trách nhiệm của mình, QLTT đã chỉ đạo QLTT địa phương đặc biệt là địa phương tại các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Hàng tồn kho giảm dần
Trước những câu hỏi về việc có chăng doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất để giảm hàng tồn kho, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Hàng tồn kho đã và đang giảm mạnh. Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với năm trước bao gồm: sản xuất vải dệt thoi giảm 32,3%; may trang phục (trừ trang phục may lông thú) giảm 1,3%; sản xuất giầy, dép giảm 19,2%; sản xuất xi măng giảm 33,7%... Những tín hiệu đáng mừng này bắt nguồn từ sức mua tăng lên, xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh.
Việc sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết: Sửa đổi nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong nước; làm sao để doanh nghiệp gắn trực tiếp với sản xuất, vùng nguyên liệu. Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bằng điều kiện tài chính, kho bãi, thị trường…
Xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu
Ông Nguyễn Xuân Chiến- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước- cho biết, tăng hay giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào giá xăng dầu bình quân thế giới trong vòng 30 ngày. Đây là cơ sở tính giá bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra, giá xăng dầu còn phụ thuộc vào thuế, việc trích quỹ bình ổn.
Hiện nay, điều chỉnh giá xăng dầu vẫn căn cứ theo Nghị định 84 ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Thời gian tới, giá xăng dầu thế giới giảm, giá bình quân giảm thì tất yếu các doanh nghiệp đầu mối sẽ giảm giá bán.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Xuân Chiến, do Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 có 23 điều sửa, 2 điều bổ sung trong tổng số 35 điều, vì thế Bộ Tư pháp đã yêu cầu phải xây dựng nghị định mới.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định 84, trình Chính phủ trước ngày 30/9/2013. Hiện tại, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo lần 5 của nghị định, chuẩn bị đưa Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ.