Thứ tư 20/11/2024 06:32

30 năm đổi mới và định vị kinh tế Việt Nam

Cho dù vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế- xã hội, nhưng những thành tựu Việt Nam đạt được trong những năm qua xét trên nhiều phương diện, thực sự là những thay đổi đáng ngạc nhiên so với ba thập niên trước.
Xuất khẩu luôn là điểm sáng của nền kinh tế

Cải cách kinh tế của Việt Nam: Đầy cam go

Không nghi ngờ gì rằng, thành tựu quan trọng bậc nhất của đổi mới là việc chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp dựa trên nền tảng nền kinh tế nông nghiệp- nông dân cổ truyền sang kinh tế thị trường; nhờ đó, đất nước thoát khỏi phương thức phát triển lạc hậu, biến quá trình này thành xu hướng không thể đảo ngược. Đây là kết quả của sự liên tục đổi mới tư duy phát triển, chuyển hóa sức mạnh của tư duy phát triển mới, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thành các thành tựu kinh tế hiện thực, cụ thể, biểu hiện ở mức tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngoại thương phát triển, thu hút nhiều vốn FDI và ODA, chủ động và tích cực mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới.

Trên thực tế, 3 năm sau đổi mới, kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Lạm phát các năm 1987 và 1988 vẫn ở mức 3 con số (323,1% và 393%). Nhưng kể từ năm 1989, nhiều chuyển biến thực tế quan trọng đã diễn ra. Nhà nước phân quyền sử dụng và chuyển giao quyền sử dụng đất cho từng hộ gia đình theo Nghị quyết 10 (Khoán 10), xóa bỏ độc quyền nhà nước trong hoạt động ngoại thương (cuối năm 1988). Đến năm 1989,chế độ tem phiếu và kiểm soát giá cả được bãi bỏ.

1989 là năm đầu tiên Việt Nam không những có đủ lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo. Thành tựu này phản ánh sức mạnh giải phóng nội lực của cải cách đối với sản xuất nông nghiệp.

Từ giữa năm 1989, lạm phát phi mã gần như ngừng hẳn.Tình trạng rối loạn trong phân phối, lưu thông hàng hóa cơ bản chấm dứt, môi trường vĩ mô bắt đầu ổn định.

Từ năm 1990, nhiều chính sách mới trở thành đòn bẩy đưa đất nước bước vào một giai đoạn mới ổn định hơn. Sự ra đời của Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Thuế doanh thu, việc công nhận kinh tế tư nhân trong Hiến pháp năm 1992 đóng vai trò là những dấu mốc thay đổi thể chế nền tảng theo hướng thị trường.

Tăng trưởng kinh tế trong phần lớn thập niên 1990 đạt mức 8-9%/năm. Thành tựu này có được là nhờ năng lực sản xuất và hiệu quả đầu tư được cải thiện dưới tác động của cải cách kinh tế.

Trong giai đoạn 1997-1999, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm mạnh tốc độ tăng trưởng, một phần do các vấn đề cơ cấu bắt đầu bộc lộ, một phần do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính châu Á. Tuy nhiên đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, sau giai đoạn khôi phục tăng trưởng khá ngoạn mục dưới tác động trực tiếp mạnh mẽ của việc ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam– Hoa Kỳ, khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu thử thách năng lực hội nhập quốc tế với “phép thử” gia nhập WTO (2007), tốc độ trong kinh tế lại suy giảm mạnh và đặc biệt, những vấn đề cấu trúc của nền kinh tế trở nên nghiêm trọng.

Giày dép - một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực

Hội nhập mạnh: Làn gió mới

Trước đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại thương, nhưng chủ yếu là với khối XHCN. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa ra với cả thế giới. Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 khơi nguồn cho dòng vốn đầu tư và thương mại quốc tế.

Năm 1993, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với 3 định chế tài chính quốc tế lớn là WB, IMF và ADB.

Năm 1994, Việt Nam thoát khỏi cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Hoa Kỳ. Ngày 28/7/1995, Việt Nam gia nhập ASEAN.

Năm 1997, Việt Nam tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC).

Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ (ký tháng 7/2000, có hiệu lực từ tháng 12/2001) là bước tiến tiếp theo trong tiến trình hội nhập.

Năm 2007, nền kinh tế tiến một bước lớn trong tiến trình hội nhập quốc tế khi gia nhập WTO.

Cuối năm 2014, Việt Nam hoàn thành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, với Liên minh Hải quan Nga-Belarusia-Kazakhstan.

Sang năm 2015, Việt Nam kết thúc đàm phán TPP và Hiệp định Thương mại tự do với EU. Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 20/12/2015.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập từ ngày 31/12/2015, mở ra nhiều cơ hội mới cho đất nước.

Hội nhập quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế của Việt Nam, trước hết là ở việc giải phóng các nguồn lực và hình thành tư duy phát triển kinh tế mới. Các cam kết hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải dần xóa bỏ cơ chế bảo hộ, trợ cấp, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh và các cơ chế, chính sách, thúc đẩy xây dựng các chuẩn mực về tổ chức sản xuất, quản lý và văn hóa kinh doanh. Hội nhập cũng thúc đẩy chuyển nhượng vốn xuyên quốc gia, chuyển nhượng công nghệ, phương pháp tiếp cận thị trường và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia do khu vực FDI tạo ra.

Nếu coi các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là sản phẩm chủ lực của Việt Nam, thì năm 2001 cả nước mới có 4 sản phẩm chủ lực. Năm 2010, số sản phẩm chủ lực đã tăng 5 lần. Đến năm 2010, số sản phẩm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tăng 5 lần, trong số này, có các nhóm sản phẩm công nghiệp- công nghệ cao. Năm 2014, cả nước có 7 nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD.

Một trong những yếu tố thành công cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong đổi mới là thu hút FDI. Đến năm 1994, quy mô vốn FDI đã tương đương 10% GDP cả nước và đóng góp đáng kể vào thành tích tăng trưởng cao trong những năm trước khủng hoàng tài chính châu Á (xem biểu đồ bên). Trong làn sóng FDI đầu tiên, thời điểm đánh dấu khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 và FDI đạt đỉnh sau đó 1 năm. Điều tương tự diễn ra khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 và FDI đăng ký đạt mức cao nhất vào năm 2008.

Đến giữa thập kỷ 1990, doanh nghiệp FDI đóng góp 1/4 tổng giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 6% GDP. 10 năm sau, các tỷ trọng tương ứng là 43,8% và 15,99%. Khu vực FDI đã vượt lên trên khu vực nội địa về giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 2014, vượt lên về kim ngạch xuất khẩu từ năm 2004 và hiện đã chiếm tới gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nền kinh tế.

Ngoài những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, chặng đường 30 năm đổi mới cũng chứng kiến nhiều thành tựu lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực khác: Thành tích quốc tế về tiềm năng trí tuệ, hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) về giảm nghèo đói...

Tuy vậy, cũng phải nhìn thẳng vào thực trạng. Những thành tựu phát triển đã đạt được không đảm bảo rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong những giai đoạn tiếp theo. Đó là: Chất lượng tăng trưởng đang có xu hướng giảm mạnh; nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động bên ngoài. Tương quan nghịch biến giữa tăng trưởng và lạm phát cho thấy một bức tranh khác- đó là không nhất thiết phải đánh đổi tăng trưởng với lạm phát. Kết hợp những dữ liệu về đầu tư, trong cơ cấu GDP và cơ cấu lao động, dễ dàng chỉ ra sự méo mó trên thị trường đang diễn ra hiện nay trong nền kinh tế là do khu vực DNNN. Hiệu quả đầu tư thấp, trong khi Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khá so với nhiều nước đang phát triển khác. Do vậy cần phải thấy rằng, thiếu vốn đầu tư không phải là một ràng buộc cứng để đạt được tăng trưởng kinh tế cao, mà là hiệu quả sử dụng vốn. Mặt khác, sự tăng trưởng của đất nước lại không dựa vào đầu tư nội địa mà dựa vào FDI. Số lượng các sản phẩm chủ lực tăng lên hàng năm, nhưng chỉ tập trung vào một số mặt hàng truyền thống, có trình độ công nghệ thấp và không mang lại giá trị tăng cao, như dệt may, thủy sản, da- giày, còn các sản phẩm công nghệ như điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử chủ yếu là nhờ khu vực FDI. Theo đánh giá của World Bank, tăng trưởng dựa vào vốn FDI về dài hạn là không bền vững.

Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đang diễn ra rất chậm, không như kỳ vọng; doanh nghiệp tư nhân nội địa phát triển không bền vững; năng suất lao động thấp và tăng trưởng năng suất lao động lại có xu hướng giảm...

Sản phẩm công nghiệp vẫn hướng tới giá trị gia tăng cao

Định vị kinh tế Việt Nam

Việt Nam đã từng được ví như một con rồng tiếp theo của châu Á. Những thành tích kiểu như “đứng ở top đầu” trong các bảng xếp hạng toàn cầu; vị trí thứ 2 trong xuất khẩu cà phê, thứ 3 xuất khẩu lúa gạo, hay thứ 4 về xuất khẩu thủy- hải sản, hay cả những thành tích dễ dàng kiểu “tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước” hoặc “tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm”... dễ gây ra tâm lý thỏa mãn, “say sưa vì thắng lợi”.

Chỉ đánh giá trong lĩnh vực nông nghiệp, Chỉ số Phát triển thế giới (WDI) cho biết, về mặt tuyệt đối, năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam đã tăng lên đều đặn trong hơn 20 năm qua. Nhưng việc so sánh tỷ lệ giữa giá trị gia tăng nông nghiệp/nhân công Việt Nam với một quốc gia và nhóm quốc gia khác lại cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng tụt hậu. Năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ tương đương 1% của Singapore, bằng 1-4% của Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước OECD; bằng khoảng 1/2 các nước thu nhập trung bình thấp.

Vậy đến năm 2035, tức sau 2 thập niên kể từ bây giờ và 50 năm sau đổi mới, Việt Nam sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới? Giả định một kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP/đầu người với mức 6% trong 2015-2020 (tương đương với mức bình quân giai đoạn 2000-2011) và sau đó đạt bình quân 8% cho thời gian còn lại. Kết quả chỉ ra rằng, đến năm 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan, Hàn Quốc, chỉ bằng gần 1/2 của Nhật Bản và 1/3 so với Singapore vào thời điểm năm 2011. Coi những giả định về tăng trưởng GDP/đầu người như trên là hợp lý, tính từ năm 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011.

Chặng đường 30 năm cải cách kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những giai đoạn thăng trầm cùng những đột phá trong mở cửa thị trường, giá cả và tiến triển trên đường hội nhập quốc tế. Những thành tựu đáng kể đã được ghi nhận, bao gồm tăng trưởng kinh tế cao nhiều năm liên tục, đưa hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói… Song, thế giới luôn vận động theo quy luật đào thải khắc nghiệt. Vị thế của Việt Nam chỉ có thể do chính Việt Nam tạo dựng và duy trì. Sự phát triển của kinh tế tư nhân đặt trong nền tảng nền kinh tế với giáo dục kỹ năng chuyên sâu, chất lượng thể chế, cơ sở vật chất hạ tầng vượt trội và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định nên được coi là điều kiện phát triển tiên quyết trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết tham gia những cuộc chơi hội nhập đẳng cấp cao.

Việt Nam đã thành công nhờ đột phá trong cải cách năm 1986. Trước một bối cảnh đầy thách thức, nhưng cũng rất nhiều cơ hội mà thời cuộc đang đặt ra, việc lựa chọn một chiến lược phát triển đúng đắn trong điều kiện liên tục đổi mới, sáng tạo là đòi hỏi bắt buộc đối với một quốc gia đã có những bước tiến vào sân chơi toàn cầu như Việt Nam.
PGS.TS Trần Đình Thiên

Tin cùng chuyên mục

Ông Donald Trump chọn MC đài Fox News làm Bộ trưởng Giao thông vận tải

Đà Nẵng: Trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp dệt may về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 19/11: Quan chức Bộ Tổng tham mưu Ukraine thiệt mạng; Kiev tập kích lính Nga

Các FTA - ‘đòn bẩy’ thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và đối tác châu Mỹ

CEO dầu khí làm Bộ trưởng Năng lượng Mỹ là ai?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các tham tán tại châu Mỹ đóng góp quan trọng vào kết quả của ngành Công Thương

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Mỹ

Chủ động thích ứng với EUDR, nhiều diện tích trồng cà phê của Gia Lai đã ở 'vùng an toàn'

Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC)

Quảng Nam: Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA trong lĩnh vực thủy sản

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 18/11: Kịch chiến nảy lửa tại Kursk; UAV Ukraine phá hủy xe phòng không Buk của Nga

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 17/11/2024: Sau Mỹ, đến lượt Anh ngừng cung cấp tên lửa cho Ukraine

Tăng tốc xuất khẩu sang Indonesia nhờ khai thác cơ hội từ RCEP

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 17/11: Lữ đoàn số 79 Ukraine đầu hàng; Chỉ huy đặc nhiệm Ukraine làm tình báo cho Nga

RCEP tạo 'con đường tơ lụa' cho hàng Việt khai thác thị trường ASEAN

Củng cố quan hệ chính trị, tạo đột phá thương mại giữa Việt Nam - Brazil và các đối tác

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 16/11/2024: Ukraine nhận đạn dược kém chất lượng; Nga tấn công mọi mặt trận

Ấn Độ tham dự Vietnam FoodExpo 2024 và hoạt động xúc tiến thương mại tại Long An

Vì sao Nga siết chặt chính sách quản lý người nhập cư?

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 16/11: Lính Ukraine rút lui ồ ạt ở Kurakhove; Ukraine thiêu rụi kho đạn tại Kharkov