Chủ nhật 29/12/2024 08:09

3 trụ cột hợp tác giữa Việt Nam - Hungary

Lãnh đạo hai nước Việt Nam - Hungary xác định, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại là trụ cột

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Hungary đến ngày 20/1/2024 theo lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Hungary; thăm một số cơ sở kinh tế - xã hội của Hungary; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary; gặp gỡ lãnh đạo một số tổ chức hữu nghị; gặp gỡ cán bộ, nhân viên đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hungary...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí sau khi kết thúc hội đàm và chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hungary hôm 18/1. Ảnh VGP

Xuyên suốt các buổi làm việc, gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao hay với cộng đồng doanh nghiệp tại Hungary, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh đến đường lối, chủ trương đối ngoại của nước nhà: Việt Nam kiên trì, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; với trường phái "ngoại giao cây tre" Việt Nam "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển". Trong tổng thể quan hệ đối ngoại, Việt Nam coi trọng quan hệ các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Hungary, đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại Trung Đông Âu.

Với chủ trương, đường lối đối ngoại nhất quán, xuyên suốt đã góp phần khẳng định vai trò, nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cùng nhất trí xác định kinh tế, đầu tư, thương mại là ba trụ cột hợp tác giữa Việt Nam - Hungary trong thời gian tới. Ảnh VGP

Tại Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán thống nhất cho rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary đang phát triển tích cực trên tất cả cả lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện vào năm 2018 nhân chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hai Thủ tướng thống nhất đánh giá hợp tác hai nước còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và mong muốn của cả hai bên.

Do vậy, để nâng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary lên tầm cao mới, hai Thủ tướng nhất trí cho rằng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Hai Thủ tướng khẳng định cần phát huy hơn nữa các cơ chế hợp tác sẵn có, trong đó thúc đẩy sớm tổ chức Khoá họp lần thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Hungary. Cùng đó, hai Thủ tướng cũng khuyến khích các cơ quan và doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ngoài ra, hai Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống khác, như văn hóa, thể thao, du lịch, lao động, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, quản lý nước..., đồng thời nỗ lực mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới, như kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số...

Tận dụng cơ hội, đẩy mạnh hợp tác thương mại

Nhận định về thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hungary, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020, từ mức 266 triệu USD năm 2016 lên mức gần 1,3 tỷ USD năm 2020. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đứt gãy nguồn cung,…ảnh hưởng đến sức mua tại thị trường Hungary nên tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước có sự sụt giảm.

Năm 2021 kim ngạch thương mại 2 nước giảm nhẹ 15% (xuống 1,09 tỷ USD). Đến năm 2022, tổng kim ngạch thương mại đã tăng nhẹ lên 9,7%, đạt 1,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu tăng 1,3% (577,5 triệu USD) và nhập khẩu tăng 18,7% (628,5 triệu USD). Tuy nhiên, tính đến tháng 11 năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đang có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2022 (giảm 27,8% đạt 786 triệu USD); trong đó, xuất khẩu giảm 28,9% và nhập khẩu giảm 26,8%.

Nghiên cứu thị trường, tiếp xúc trực tiếp với đối tác sở tại là một trong nhiều giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Hungary. Ảnh minh họa

Thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hungary, ông Phạm Ngọc Chu - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary cho rằng, bên cạnh tính thời điểm, sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo các quy định về chất lượng, quy cách đóng gói, ngôn ngữ thể hiện trên bao bì. Ngoài ra, khi bắt tay với nhà phân phối hàng hoá tại Hungary, doanh nghiệp trong nước phải đảm bảo nguồn cung liên tục, chất lượng ổn định và có thông điệp xuyên suốt tới khách hàng.

Từ góc độ thị trường nước sở tại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Hungary cũng chia sẻ, giải pháp hiệu quả, thiết thực vẫn là tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Hungary nghiên cứu thị trường, tiếp xúc trực tiếp với đối tác sở tại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư.

Bên cạnh đó, tổ chức và tham gia các buổi hội thảo doanh nghiệp để quảng bá hàng xuất khẩu của Việt Nam, kết nối kinh doanh, đầu tư cũng như chương trình trưng bày, quảng bá hàng xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, chủ động tìm kiếm các nhà nhập khẩu, phân phối sở tại giới thiệu cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và ngược lại.

Cũng theo Thương vụ, Hungary nằm trong khối Liên minh châu Âu nên có những đòi hỏi, quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, môi trường, xã hội, lao động... do vậy, Thương vụ khuyến cáo doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ về thị trường, thấu hiểu văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường. Với lợi thế bổ trợ lẫn nhau này, hai nước hoàn toàn có dư địa để tìm kiếm cơ hội mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại trong thời gian tới.

Nguyễn Hằng
Bài viết cùng chủ đề: Hungary

Tin cùng chuyên mục

Thương mại song phương Việt Nam - Philippines vượt 8 tỷ USD

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Nigeria

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay 28/12/2024: Ukraine mở mặt trận thứ hai

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Ucraina

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 28/12: Quân Nga dội đòn bất ngờ

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ (kiêm nhiệm Liechtenstein)

Bản tin quân sự thế giới ngày 27/12/2024: Trung Quốc giới thiệu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Italy

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông

Nga - Trung Quốc đạt bước tiến mới về hợp tác năng lượng

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan

Tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria và Iraq)

Bản tin quân sự thế giới ngày 26/12/2024: Ukraine trang bị súng bắn đạn ghém chống UAV cho binh sĩ

Mời tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư toàn cầu tại bang Kerala, Ấn Độ

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 26/12: Lữ đoàn 'chuẩn NATO' rút lui; UAV Ukraine đánh sập căn cứ Nga

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/12/2024: Nga tập kích tên lửa Ukraine; Velyka Novosilka bị siết chặt

“Nội soi” khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt

Bản tin quân sự thế giới ngày 25/12/2024: Tại sao thiết bị siêu vượt âm Avanguard không có đối thủ?