3 dự án của Vinachem nằm trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương đã sản xuất, kinh doanh có lãi
3 dự án phân bón đã sản xuất kinh doanh có lãi
Trong số 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương, hiện 3 dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã và đang có những chuyển biến tích cực. Hiện Bộ Chính trị cũng đã có văn bản đồng ý về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại nợ vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với 3 dự án, doanh nghiệp này theo đề nghị của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đánh giá, bước đầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của 03 dự án, doanh nghiệp này đã có nhiều kết quả tích cực. Các doanh nghiệp đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.
Với Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, công ty duy trì chạy máy an toàn, ổn định, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao. Năm 2022, hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt cao nhất từ trước tới nay với lợi nhuận thực hiện là 1.779 tỷ đồng (tăng lãi 1.770 tỷ đồng so với kế hoạch Đại hội đồng cổ đông thông qua và tăng lãi 1.773 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021).
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp Đạm Ninh Bình đạt 6.009 tỷ đồng, bằng 134% so với kế hoạch năm và bằng 150% so với thực hiện năm 2021 |
Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình đã duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả trong vận hành hệ thống máy móc thiết bị với phụ tải cao, cơ bản chủ động được vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, trả được bớt nợ cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các ngân hàng, không phải phụ thuộc vào khách hàng để ứng vốn trước mua vật tư sản xuất.
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp Đạm Ninh Bình đạt 6.009 tỷ đồng, bằng 134% so với kế hoạch năm và bằng 150% so với thực hiện năm 2021; tổng doanh thu ước đạt 6.039 tỷ đồng, bằng 135% với kế hoạch năm và đạt bằng 148% so với thực hiện năm 2021; ước lãi 928 tỷ đồng, tăng lãi 856 tỷ đồng so với kế hoạch năm và tăng lãi 985 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kiểm tra công tác sản xuất tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai tháng 8/2022 |
Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã cơ bản thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và kiểm soát hiệu quả các định mức so với kế hoạch, qua đó duy trì ổn định hoạt động.
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 đạt lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, giảm lỗ 317 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và giảm lỗ 128 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Cũng liên quan đến công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương đến thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết đến nay công tác xử lý đã có nhiều tiến triển quan trọng và đạt nhiều kết quả thiết thực.
Doanh nghiệp phân bón vẫn gặp khó vì Luật Thuế 71
Tuy đã tạm thời ra khỏi vùng khó khăn, nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nhất là 3 doanh nghiệp phân bón nằm trong 12 dự án ngành Công Thương lại đang phải đối mặt với khó khăn về Luật Thuế 71.
Theo quy định của Luật thuế số 71/2014/QH13 (Luật thuế số 71), do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
TS. Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa ra con số ước tính: Với quy mô ngành phân bón trên 100.000 tỷ đồng hàng năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5%. Theo một tính toán thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật thuế số 71 thì giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6.1%.
Mỗi năm, tính riêng số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của Vinachem không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng. Con số này đã lên tới gần 6.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.
Ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc Công ty CP DAP-VINACHEM cho biết: Do Luật thuế số 71 đưa phân bón vào danh mục mặt hàng không chịu thuế nên tất cả những chi phí thuế giá trị gia tăng đầu vào của công ty không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế. Hàng năm chi phí sản xuất của công ty phải chịu tăng thêm khoảng 200 - 220 tỷ đồng, tương đương khoảng 7,5% giá thành sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn của ngành phân bón từ đầu năm 2023 trở lại đây, các doanh nghiệp sản xuất phân bón rất mong được gỡ vướng về Luật Thuế 71 này, vừa giúp giảm giá thành phân bón cho bà con nông dân, giúp chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp phân bón trong bối cảnh hiện nay.
Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành phân bón gặp khó do giá thành phân bón hạ xuống thấp, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, hàng tồn kho cao. Trong bối cảnh 3 dự án của Vinachem thuộc 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đã và đang nỗ lực từng ngày, thì việc sửa đổi Luật Thuế 71 theo hướng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng sẽ là một trợ lực tốt, vừa giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp, vừa giúp giảm gánh nặng về chi phí phân bón cho bà con nông dân.