Hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế
Diễn đàn có sự phối hợp về chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các cơ quan liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Các đơn vị phối hợp tổ chức: Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC.
Ban tổ chức thông tin về Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 |
Sự kiện được tổ chức nhằm hướng tới 3 mục tiêu lớn: Đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân; Quảng bá về các thành tựu phát triển và những đóng góp của kinh tế tư nhân Việt Nam; Tạo cơ hội cho các cơ quan, tổ chức và doanh nhân tư nhân trong cả nước được đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện các cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân phát triển hơn. Đồng thời, Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nhân tư nhân kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Với quy mô từ 2.000 đến 2.500 doanh nghiệp tư nhân cùng hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, diễn đàn được kỳ vọng đây sẽ là nơi Chính phủ, các cơ quan quản lý lắng nghe kiến nghị và nhìn nhận những nút thắt cản trở khu vực kinh tế tư nhân, từ đó tạo ra điều chỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho khu vực này phát triển, trở thành động lực quan trọng cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn cho biết, sự kiện này có những điểm nhấn riêng biệt, đó là việc dành thời lượng lớn cho đối thoại công - tư trong Phiên tổng thể và các phiên hội thảo, tọa đàm của Diễn đàn, đặc biệt dành không gian lớn cho khu vực tư nhân “hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế”. Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan sẽ tham gia đối thoại, giải đáp xung quanh các phản ánh, kiến nghị của doanh nhân tư nhân cũng như lắng nghe các hiến kế, giải pháp của khu vực tư nhân đóng góp cho việc giải các bài toán lớn của nền kinh tế, trước hết là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt về cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh.
”Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất, phản ánh của doanh nghiệp thành các nhóm vấn đề lớn để chuyển các bộ, ngành có thể trao đổi, giải đáp ngay tại Diễn đàn hoặc xem xét, xử lý trong quá trình hoạch định chính sách, quản lý, điều hành kinh tế”- ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Diễn đàn dành không gian lớn cho khu vực tư nhân “hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế” |
Bên cạnh đó, một số nội dung quan trọng, vấn đề bức xúc đang cản trở phát triển kinh tế tư nhân sẽ được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có thể chỉ đạo giải quyết ngay tại Diễn đàn nhằm củng cố niềm tin, tiếp thêm động lực cho kinh tế tư nhân.
Ba giải pháp để khai thác tốt CPTPP
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 sẽ bao gồm: 1 phiên tổng thể, 6 hội thảo chuyên đề, 1 tọa đàm.
Tại phiên tổng thể diễn ra chiều 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, cùng đại diện các cơ quan quản lý sẽ lắng nghe các hiến kế từ khu vực tư nhân, tổng hợp ý kiến từ 500 doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước. Ngoài ra, tại đây cũng sẽ diễn ra phiên đối thoại tháo gỡ rào cản, nút thắt để kinh tế tư nhân bứt phá giữa doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, hướng tới mục tiêu để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Các kiến nghị, đề xuất tại Phiên tổng thể được tổng hợp từ 6 hội thảo chuyên đề, 1 tọa đàm và từ kết quả khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
6 hội thảo chuyên đề sẽ tập trung vào các chủ đề quan trọng, như: Tăng cường thu hút khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam; Phát triển kinh tế số; Tận dụng cơ hội từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP; Khơi thông dòng vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế; Tạo lập và phát triển các chuỗi nông - lâm - thuỷ sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm; Các mô hình kinh doanh mới. Và sẽ có riêng 1 Tọa đàm cho các nữ lãnh đạo doanh nhân với chủ đề “Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng”.
Trong đó, chuyên đề “Chủ động và khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá” sẽ tổng hợp các ý kiến hiến kế cho 3 nhóm vấn đề chính: Giải pháp tận dụng cơ hội từ CPTPP cho một số ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da – giày – túi và thuỷ sản; Giải pháp giảm thiểu thách thức & cạnh tranh, tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp Việt từ CPTPP và Hợp tác công - tư trong bối cảnh hội nhập và thực thi CPTPP.