Thứ sáu 22/11/2024 02:13

18 năm Việt Nam gia nhập WTO: Bước ngoặt lớn thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút FDI

Nhằm mục tiêu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, thể chế để đáp ứng các cam kết của WTO.

Bước ngoặt lớn trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút FDI

Ngày 7/11/2006, lễ kết nạp Việt Nam gia nhập WTO được tổ chức tại trụ sở WTO ở Geneva, Thụy Sĩ. Sau đó, kể từ ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này. Sự kiện này đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam. Mặc dù còn nhiều thách thức, song những thành tựu và dấu ấn đã đạt được cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc khai thác cơ hội, cải thiện môi trường kinh doanh và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trong quá trình đàm phán gia nhập, Văn phòng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế thương mại quốc tế là Cơ quan điều phối, phối hợp liên ngành chịu trách nhiệm tổ chức các phiên đàm phán gia nhập WTO, đàm phán ký kết các FTA và các tổ chức, định chế quốc tế khác như TIFA (Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ), IPEF (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương)...

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, gia nhập WTO là một bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam

Điểm lại một số dấu ấn nổi bật kể từ khi gia nhập WTO, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, kiêm Chánh Văn phòng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế thương mại quốc tế cho biết, gia nhập WTO mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình khá cao, với sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực như sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam không ngừng mở rộng, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Về xuất khẩu, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ từ sau khi gia nhập WTO. Điều này thể hiện qua các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và duy trì qua các năm (từ mức 48,5 tỷ USD vào năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên đến khoảng 264 tỷ USD vào năm 2019, tức là tăng hơn 5 lần trong vòng 12 năm); các thị trường xuất khẩu mở rộng mạnh mẽ (đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại chủ lực); tăng trưởng vượt bậc trong các ngành xuất khẩu chủ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho vào ngành công nghiệp xuất khẩu. Các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, và LG đã đầu tư vào Việt Nam, giúp nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng đó, yếu tố tăng trưởng xuất khẩu giúp cải thiện rõ rệt cán cân thương mại của Việt Nam từ chỗ thường xuyên nhập siêu trước khi gia nhập WTO đã dần chuyển sang xuất siêu, đặc biệt trong giai đoạn từ 2011 trở đi. Điều này chứng tỏ năng lực sản xuất và cung ứng của Việt Nam được cải thiện, nhờ vào cơ hội thương mại mà WTO mang lại.

Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), gia nhập WTO đã tạo ra bước ngoặt lớn qua việc tăng trưởng mạnh mẽ về FDI đăng ký và thực hiện; gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất và chế biến, nhất là ngành có khả năng xuất khẩu cao; phát triển mở rộng khu công nghiệp và khu kinh tế; đa dạng hóa đối tác đầu tư; đóng góp của FDI vào phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

Các tập đoàn lớn từ khắp nơi trên thế giới đã đầu tư mạnh vào Việt Nam, không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp, tạo việc làm và nâng cao năng lực sản xuất. Thành công này cho thấy vai trò quan trọng của WTO trong việc mở cửa thị trường và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Hơn nữa, gia nhập WTO thúc đẩy Việt Nam phải cải cách và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại và đầu tư, nhằm phù hợp với cam kết quốc tế và nâng cấp môi trường kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Trịnh Minh Anh cho rằng, với tư cách thành viên WTO đã giúp Việt Nam có cơ hội đóng góp tích cực hơn vào vấn đề kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Việt Nam đã tích cực tham gia hoạt động của WTO và diễn đàn quốc tế, thể hiện vai trò xây dựng và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tích cực tham gia, ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với các đối tác chiến lược. Ảnh minh họa

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tích cực tham gia, ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với các đối tác chiến lược như Hiệp định Đối tác Thương mại Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn Diện Khu vực (RCEP). Tiến trình này đã giúp Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội thị trường mới, cả về lượng và chất, để mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế.

Ngoài ra, gia nhập WTO mang lại những ảnh hưởng tích cực với xã hội, nhất là trong việc giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân. Phát triển kinh tế đã giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống của người lao động.

Môi trường kinh doanh minh bạch, thủ tục hành chính được đơn giản hóa

Đáng chú ý, gia nhập WTO giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nhiều thị trường quốc tế, nhờ vào việc được hưởng ưu đãi thuế quan và tiếp cận các đối tác thương mại lớn. Điều này giúp tăng doanh thu và thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất khẩu. Việc tiếp cận các thị trường lớn với yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm đã thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến công nghệ và quản lý để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn không chỉ ở thị trường quốc tế mà cả trong nước.

Cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút FDI, không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn cung cấp công nghệ, kỹ năng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa học hỏi, mở rộng quy mô và hiện đại hóa sản xuất. Doanh nghiệp Việt Nam đã được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn quốc tế, góp phần tạo nên sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Điều này thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao năng lực quản lý.

18 năm Việt Nam gia nhập WTO: Bước ngoặt lớn thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút FDI

Cùng với việc tuân thủ cam kết của WTO, môi trường kinh doanh tại Việt Nam trở nên minh bạch hơn, thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa. Tạo điều kiện cho Việt Nam đàm phán ký kết FTA và khuôn khổ hợp tác kinh tế thương mại khác. Tuy nhiên, tham gia WTO đồng nghĩa với việc thị trường nội địa mở cửa cho hàng hóa từ nhiều quốc gia khác. Điều này gây áp lực cạnh tranh lớn với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế năng lực và công nghệ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thỏa mãn tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu này do thiếu vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý.

Để cạnh tranh hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ và cải thiện sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và công nghệ hiện đại dẫn đến khó có thể đạt được hiệu quả sản xuất và chất lượng tương đương với doanh nghiệp nước ngoài.

Mặc dù gia nhập WTO giúp giảm thuế quan với hàng hóa xuất khẩu nhưng nhiều nước vẫn áp dụng rào cản phi thuế quan tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất khẩu sản phẩm. Cùng đó là khó khăn trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực gây ảnh hưởng đến năng suất và khả năng cạnh tranh.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế đáp ứng các cam kết của WTO

Chia sẻ về những giải pháp đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, những năm qua, Bộ Công Thương mà một trong những cơ quan chủ lực là Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế để giới thiệu sản phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và kết nối đối tác quốc tế thông qua chương trình giao thương, hội thảo, hội nghị thương mại quốc tế.

Thường xuyên cung cấp thông tin về xu hướng thị trường, quy định và tiêu chuẩn mới của quốc gia đối tác. Bộ Công Thương cũng dự báo thị trường, phân tích xu hướng kinh tế giúp doanh nghiệp có được những thông tin cập nhật và chuẩn bị kế hoạch kinh doanh phù hợp, tránh được rủi ro từ những biến động quốc tế.

Nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Công Thương đã phối hợp với ngân hàng và tổ chức tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tổ chức đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp kỹ năng cần thiết như quản lý, marketing quốc tế, thương mại điện tử, cập nhật quy định pháp lý quốc tế giúp thích ứng tốt hơn với yêu cầu từ thị trường.

Bộ Công Thương còn cung cấp tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp về FTA, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và quy định về phòng vệ thương mại. Bộ cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi trước vụ kiện phòng vệ thương mại quốc tế. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất và kinh doanh; xây dựng nền tảng thương mại điện tử quốc gia, tổ chức chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Mặt khác, phối hợp với hiệp hội ngành hàng để xây dựng chuỗi cung ứng và liên kết doanh nghiệp trong nước giúp tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh bền vững, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đưa ra giải pháp để giúp nền kinh tế phát triển và hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ của WTO trong thời gian tới, ông Trịnh Minh Anh cho rằng, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách và thể chế kinh tế nhằm đáp ứng các cam kết của WTO và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút đầu tư. Hoàn thiện hệ thống pháp lý và cắt giảm thủ tục hành chính là hai nhóm vấn đề cần ưu tiên nhất.

Cùng đó, Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, am hiểu về thị trường và khả năng đáp ứng yêu cầu quốc tế; chú trọng đào tạo nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng chuyên môn và năng lực quản lý. Ngoài ra, cần đầu tư vào công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong sản xuất và quản lý; công nghệ số và trí tuệ nhân tạo có thể giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Phát triển các chuỗi cung ứng nội địa cần được chú trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, từ đó tăng cường tính tự chủ và khả năng chống chịu trước biến động toàn cầu. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao chất lượng và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo nguồn nguyên vật liệu và linh kiện nội địa, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng tính bền vững.

Trong bối cảnh hội nhập WTO và các FTA, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ tập trung vào một số thị trường lớn mà còn lưu ý thị trường tiềm năng và phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm tại thị trường quốc tế thông qua hội chợ, triển lãm, hội nghị.

Khi hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại nên Bộ Công Thương đã và đang phát triển một hệ thống cảnh báo sớm. Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin, đào tạo về biện pháp phòng vệ thương mại để ứng phó và bảo vệ quyền lợi trong các vụ việc.

Đặc biệt, Việt Nam cần tiếp tục tích cực tham gia hoạt động của WTO và diễn đàn kinh tế quốc tế để đóng góp ý kiến và bảo vệ lợi ích quốc gia. Để xây dựng chiến lược đàm phán hiệu quả, Việt Nam phải chuẩn bị kỹ càng nhằm bảo vệ lợi ích của ngành chủ lực và đảm bảo yếu tố phát triển bền vững.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, kiêm Chánh Văn phòng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế thương mại quốc tế, đại diện cơ quan, tổ chức các phiên đàm phán gia nhập WTO cũng lưu ý trong WTO và diễn đàn kinh tế đa phương, cần tham gia thường xuyên các cuộc họp và hoạt động của các tổ chức. Qua đó, xây dựng hình ảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế toàn cầu, khẳng định lập trường và cam kết của Việt Nam tại các khuôn khổ là thành viên.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế
Bài viết cùng chủ đề: Bộ trưởng Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Venezuela

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 21/11/2024: Storm Shadow tấn công sâu vào Nga, Moscow chuẩn bị đòn đáp trả?

Bí mật sức mạnh tên lửa hành trình Taimoor AGM của Pakistan

Tài chính thế giới: Giá vàng tăng ngày thứ tư liên tiếp, bitcoin xô đổ mọi kỷ lục

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia: Tạo động lực, đưa quan hệ Việt Nam-Malaysia lên tầm cao mới

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 21/11: Nhiều lính Ukraine đầu hàng ở Kursk; Tổng thống Biden viện trợ 'nóng' cho Ukraine

ASEAN và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác quốc phòng vì hòa bình khu vực

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 20/11/2024: Pháp 'quay xe' khi Nga công bố chiến lược hạt nhân mới

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 20/11: Nga bắt giữ lính đánh thuê phương Tây; Ukraine bắn hạ tên lửa hành trình Nga

Đại tướng Phan Văn Giang hội kiến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào

Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn ai cho vị trí Bộ trưởng giữ 'ngân khố' của Hoa Kỳ?

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 19/11/2024: Ukraine dự báo các mục tiêu ưu tiên tấn công trong lãnh thổ Nga

Ông Donald Trump chọn MC đài Fox News làm Bộ trưởng Giao thông vận tải

Đà Nẵng: Trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp dệt may về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 19/11: Quan chức Bộ Tổng tham mưu Ukraine thiệt mạng; Kiev tập kích lính Nga

Các FTA - ‘đòn bẩy’ thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và đối tác châu Mỹ

CEO dầu khí làm Bộ trưởng Năng lượng Mỹ là ai?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các tham tán tại châu Mỹ đóng góp quan trọng vào kết quả của ngành Công Thương

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Mỹ

Chủ động thích ứng với EUDR, nhiều diện tích trồng cà phê của Gia Lai đã ở 'vùng an toàn'