Thứ hai 18/11/2024 22:24

Yên Bái: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ đã được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Yên Bái, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng.

Là địa phương có điều kiện địa chất và thời tiết phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ đã được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Yên Bái, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cũng như sức cạnh tranh của nông sản Yên Bái trên thị trường. Đồng thời bước đầu hình thành một nền nông nghiệp 4.0.

Hiệu quả cao từ nông nghiệp công nghệ cao

Mô hình trồng lan hồ điệp theo công nghệ Israel với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng của Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi Hòa Lộc tại xã Minh Bảo, TP. Yên Bái là mô hình trồng hoa lan hiện đại đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ diện tích trên 13.000 m2 được xây dựng 4 nhà kính có hệ thống thông gió, điều hòa nhiệt độ, hệ thống phun sương… được nhập khẩu trực tiếp từ Israel. Mô hình trồng lan của Công ty được chăm sóc nghiêm ngặt.

Yên Bái có tiềm năng nông sản công nghệ cao

Ông David Eshel - chuyên gia nông học Israel - cho biết: "Khi sản xuất hoa lan theo công nghệ Israel sẽ kiểm soát được nhiệt độ duy trì từ 26 - 270C, độ ẩm tốt nhất khoảng trên 70%. Kiểm soát tốt nhiệt độ, độ ẩm cây hoa phát triển tốt và cho hoa đúng thời điểm mong muốn”.

36ha cam, bưởi đã cho thu hoạch của Tổ hợp tác sản xuất cam, bưởi an toàn Hồng Sơn ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đều được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ hợp tác cam kết không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật được cách ly ít nhất 2 tháng trước khi thu hoạch, sản phẩm đảm bảo về chất lượng và có truy xuất nguồn gốc. 17 hộ thành viên của Tổ còn chia thành 5 nhóm, thường xuyên theo dõi, giám sát chéo nhau các nội dung thực hiện trên sổ nhật ký sản xuất nhằm xây dựng và giữ vững thương hiệu.

Ông Hà Khắc Lâm - Tổ trưởng Tổ hợp tác - cho biết: "Việc sản xuất sạch đã giúp chúng tôi gây dựng được uy tín trên thị trường, tiêu thụ sản phẩm trở nên khá dễ dàng. Vụ vừa qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn xuất bán ra thị trường trên 400 tấn cam, 3 vạn quả bưởi, doanh thu đạt 5 tỷ đồng”.

Đây là một số mô hình nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Hiện nay, hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai từ 8 - 10 đề tài, dự án khoa học công nghệ thích ứng với cuộc công nghiệp lần thứ 4, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư tương xứng mà nông nghiệp, nông thôn đã có những bứt phá ngoạn mục. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn giai đoạn qua đạt trên 5%/năm.

Đặc biệt, tỉnh đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao như: vùng lúa chất lượng cao 3.000ha, vùng trồng dâu nuôi tằm gần 900ha, vùng cây ăn quả có múi trên 5.000ha, vùng quế 78.000ha, vùng tre măng Bát độ gần 5.000ha, vùng sơn tra trên 9.200ha, rừng trồng gỗ nguyên liệu 90.000ha...

Tỉnh đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến như: cam sành (Lục Yên), bưởi Đại Minh (Yên Bình), chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn), cá hồ Thác Bà…

Song song với đó, đã xây dựng được 30 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng phát triển 83 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; 57 dự án được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: chè, rau, cây ăn quả có múi, sản xuất lúa gạo... Giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm.

Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Thời gian tới, để phát triển nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; từng bước số hóa, thông minh hóa sản xuất nông nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ 4.0 vào các khâu quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách phù hợp với điều kiện của tỉnh và hình thành được một số mô hình đạt tiêu chuẩn thông minh. Tỉnh sẽ xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế....

Đồng thời, Yên Bái sẽ tiến hành số hóa dữ liệu sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra để phục vụ phát triển thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc; triển khai một số hệ thống, ứng dụng trong quản lý, điều hành sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và giám sát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Cùng đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh số hóa các vùng, cơ sở sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, vùng sản xuất sản phẩm đặc sản, hữu cơ; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn trang bị các thiết bị cảm biến cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản...

Tỉnh cũng có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, ngày 11/11/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2823/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025.

Trong đó, tỉnh ưu tiên các doanh nghiệp triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi lợn, gia cầm, chế biến gỗ, nuôi thủy sản; sản xuất giống cây, con; trong đó, nghiên cứu ứng dụng công nghệ phù hợp, phát huy thế mạnh về cơ sở hạ tầng, kết nối vùng để gắn kết sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, chú trọng tạo cơ chế phù hợp đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, hình thành những chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp... Đó chính là cái đích hướng đến cho một nền nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững.

Hoàng Phương
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Yên Bái

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai công khai kết quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

TP. Hạ Long: Phát triển và đổi mới giáo dục trong thời đại kỷ nguyên số

Nam Định phân hạng và công nhận lại 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Quảng Ninh: Thu hút đầu tư thông minh, hướng tới phát triển kinh tế xanh

Bộ chỉ số DDCI năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh có gì mới?

Bạc Liêu: Hướng tới mô hình nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững

Sơn La có thêm 10 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Quảng Ninh chuyển mình mạnh mẽ với công nghiệp chế biến, chế tạo

Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững

Bắc Ninh nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Quảng Ninh: Mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách du lịch

Lào Cai: Đề xuất 22 dự án ổn định dân cư tập trung cho 1.237 hộ vùng thiên tai khẩn cấp

Sơn La tham gia Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024

Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Cầu Hòa Sơn trị giá 540 tỷ đồng nối Bắc Giang với Thái Nguyên chính thức thông xe

Quảng Ninh: Doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh

Quảng Ninh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công

Quảng Ninh vươn mình cùng hệ thống cảng biển hiện đại

Quảng Ninh: Thành công vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số