Ý nghĩa chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Ngày 30/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi. Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, từ 30/7 đến 1/8.
Hai nước Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972. Đến năm 2016, lãnh đạo hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong hơn 50 năm qua, Ấn Độ là một trong những đối tác tin cậy nhất, thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ đối với con đường phát triển và chính sách của Việt Nam trên nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế.
Vì vậy, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện với Ấn Độ, góp phần thắt chặt quan hệ giữa lãnh đạo hai nước, nhất là hai Thủ tướng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình |
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã có cuộc trả lời phỏng vấn với các cơ quan báo chí và nhấn mạnh nhiều ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm lần này.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?
Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống và hữu nghị bền chặt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ tiền bối của Ấn Độ như: Mahatma Gandhi, Jawahalal Nehru cùng các thế hệ Lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Năm 2016, hai nước đã xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng hai bên sau khi xác lập khuôn khổ quan hệ mới. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là một trong những nhà Lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời thăm Ấn Độ sau khi Ấn Độ bầu cử Hạ viện và có Chính phủ nhiệm kỳ mới. Chuyến thăm cũng diễn ra đúng vào thời điểm kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định Geneve, trong đó Ấn Độ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy đàm phán và ký Hiệp định này.
Với bối cảnh như trên, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện với Ấn Độ, góp phần thắt chặt quan hệ giữa Lãnh đạo hai nước, nhất là giữa hai Thủ tướng.
Chuyến thăm được hai bên chuẩn bị chu đáo, trọng thị, chương trình phong phú, nội dung sâu rộng, thực chất, với trọng tâm chính là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực, đáp ứng những thay đổi của tình hình hiện nay về địa chính trị - kinh tế; một mặt củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống, đồng thời mở rộng ra những lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh như điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, AI, bán dẫn, vật liệu mới, khoáng sản thiết yếu...
Chuyến thăm cũng là cơ hội để hai nước tăng cường chia sẻ về các vấn đề an ninh, chiến lược ở khu vực, quốc tế và khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương cùng quan tâm.
Xin Thứ trưởng đánh giá về quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư?
Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển tích cực với nền tảng quan hệ vững chắc và tin cậy chính trị cao. Quan hệ kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân được mở rộng, thường xuyên duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, các kênh. Các cơ chế hợp tác đối thoại, tiểu ban hợp tác chuyên ngành... được duy trì và phát huy hiệu quả.
Hợp tác Quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng và ở tầm cao chiến lược với việc hai nước ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần (tháng 6/2022), hợp tác về đào tạo, hợp tác công nghiệp quốc phòng, cử tàu hải quân thăm, cung cấp các gói tín dụng và viện trợ không hoàn lại.
Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 2,5 lần kể từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (năm 2016), đạt gần 15 tỷ USD trong năm 2023. Hai nước còn nhiều tiềm năng trong hợp tác thương mại - đầu tư với nhiều thế mạnh như thị trường đông dân nhất thế giới, kinh tế phát triển năng động. Các tập đoàn lớn của Ấn Độ đang thúc đẩy triển khai hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dầu khí, dược phẩm, hạ tầng cảng biển, logistics. Về phía Việt Nam, Tập đoàn Vinfast đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất ô tô tại bang Tamil Nadu, với số vốn cam kết 2 tỷ USD.
Hợp tác trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch đều phát triển tích cực. Hiện nay, giữa hai nước có hơn 50 chuyến bay thẳng mỗi tuần; Ấn Độ nằm trong top 3 nước có tốc độ tăng trưởng khách du lịch vào Việt Nam cao nhất, lượng khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam trong 4 năm qua gấp 2,5 lần (từ 170.000 năm 2019 lên 400.000 năm 2023). Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã cấp cho Việt Nam gần 3000 suất học bổng ngắn hạn và dài hạn trong các chương trình khác nhau. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi các nhóm tháp tại Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Hai nước đang thúc đẩy và tăng cường hợp tác sang các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, chuyển đổi số và công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh và dược phẩm…
Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và tại các diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt.
Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua đã phát triển toàn diện, mở rộng trên hầu hết các lĩnh vực và đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Xin cảm ơn Thứ trưởng./.