Xuất khẩu trái cây sang Mỹ vướng do thiếu kiểm dịch viên
Do không có nhân viên kiểm dịch thực vật nên việc xuất khẩu trái cây tươi như nhãn, xoài, thanh long, chôm chôm… của Việt Nam sang thị trường Mỹ bị ngừng trệ. Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho hay, tình trạng trái cây tắc đường sang Mỹ đã kéo dài khoảng một tuần nay. Hiện các đơn hàng của công ty bị đứng lại nhưng chưa ảnh hưởng nhiều. Công ty vẫn đang đợi xem hai bên giải quyết như thế nào để có tính toán kịp thời. Nếu tình hình này kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn. Kéo theo đó là các nhà vườn, trang trại cũng chịu ảnh hưởng theo.
Ảnh minh họa |
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group - cho biết, việc chuyên gia Mỹ không qua thì ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Việc này mới diễn ra trong tuần này nên doanh nghiệp vẫn đang lưu trữ được hàng. Hiện, trái cây lưu trữ tại kho của doanh nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Mỹ gồm: 2 container nhãn tầm 36 tấn, 1 container xoài 15 tấn, thanh long 16-17 tấn. Tuần tới, khi không có động thái gì mới thì doanh nghiệp mới bị thiệt hại. Việc này là do nguyên nhân khách quan từ dịch Covid-19.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) - cho biết, ngay từ tháng 3, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ thực hiện chính sách bảo hộ công dân và quốc gia này đưa các công dân của họ về nước, trong đó, có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Sau khi nhân viên APHIS về nước, việc kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Mỹ đã bị ách tắc khoảng một tuần.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp chặt chẽ với APHIS và Đại sứ quán Mỹ đưa nhân viên là người Việt Nam của văn phòng APHIS tại Việt Nam (trụ sở ở TP. Hà Nội) để nhận ủy quyền vào TP. Hồ Chí Minh thực hiện kiểm dịch tạm thời cho trái cây xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho hay, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, đến thời điểm này giải pháp trên chỉ là tạm thời, bản thân giải pháp này không thể kéo dài. Cục cũng đã chủ động gửi đề nghị phía Đại sứ quán Mỹ trong ngắn hạn hỗ trợ cử cán bộ APHIS đến cơ sở chiếu xạ để làm việc.
Đồng thời, liên hệ để đưa chuyên gia Mỹ đến Việt Nam làm việc. Hiện, phía Mỹ đã cử chuyên gia, làm thủ tục visa, hộ chiếu để họ sang Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm này, các chuyến bay thương mại chưa có. “Chúng tôi đang làm việc với các bên liên quan để trong thời gian sớm nhất có thể đưa chuyên gia Mỹ đến Việt Nam làm việc”, ông Hiếu nói.
Với các thị trường quan trọng khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu, Cục cũng đã làm việc với các nước để làm công tác uỷ quyền cho phía Cục làm công tác kiểm dịch thực vật tại các cơ sở xử lý chiếu xạ nhằm tránh gián đoạn thương mại. Do đó, đến nay mọi việc diễn ra bình thường.
Cũng theo ông Hiếu, hiện công tác kiểm dịch xuất khẩu nông sản nói chung vẫn được thực hiện tại các cửa biên giới để đảm bảo thông quan hàng hoá qua biên giới. Tuy nhiên, cần lưu ý vấn đề đảm bảo sức khoẻ con người là ưu tiên cao nhất. Tất nhiên cũng không quên tập trung tạo điều kiện thông thoáng nhất cho hàng hóa thông quan nhanh, đảm bảo yêu cầu nước nhập khẩu. “Dịch Covid-19 có ảnh hưởng tới các đơn hàng xuất khẩu rau, quả nhưng về mặt công tác kiểm dịch thực vật diễn ra bình thường. Theo số liệu Cục Bảo vệ thực vật nhận được thì hàng hóa xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc có con số cao hơn cùng kỳ năm ngoái”, ông Hiếu nói.
Tính chung trong bảy tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu rau, trái cây sang thị trường Mỹ vẫn đạt 77 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019; một số thị trường khác cũng có giá trị xuất khẩu tăng như: Thái Lan với 79,4 triệu USD, Nhật Bản với 68,2 triệu USD, Đài Loan với 43 triệu USD, Hà Lan với 42,7 triệu USD....
Riêng những loại trái cây đông lạnh như sầu riêng hoặc dừa vẫn xuất khẩu bình thường vì không phải thực hiện kiểm dịch thực vật. Trong thời gian chờ nhân viên kiểm dịch của Mỹ sang, các công ty xuất khẩu trái cây đang triển khai nhiều phương án khác để tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như hạ giá bán, mở rộng thị trường tiêu thụ mới, đẩy mạnh bán tại thị trường nội địa... Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng trong thời gian tới mọi khó khăn nêu trên sẽ sớm được giải quyết.