Thứ ba 26/11/2024 12:16

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: Vẫn rất khiêm tốn

9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, việc đa dạng thị trường còn khiêm tốn do phải thiết lập vùng an toàn dịch bệnh, chi phí thức ăn chăn nuôi và chi phí logistics cao khiến biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức thấp.

9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng 15,2%

Theo số liệu Trung tâm Tin học và thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) 9 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 294,4 triệu USD, tăng 15,2% so cùng kỳ 2020.

Về mặt hàng, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 87 triệu USD, là mặt hàng chăn nuôi xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất, tăng 20,9% so cùng kỳ 2020. Nhóm thị trường xuất khẩu tăng gồm Iraq, Campuchia, Philippines. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Doanh nghiệp kiến nghị các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT cần thông tin cho doanh nghiệp về nhu cầu cũng như hỗ trợ đàm phán xuất khẩu thịt gà sang các thị trường

Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt đạt 76 triệu USD, tăng 18,2% so cùng kỳ 2020. Thịt lợn là mặt hàng thịt xuất khẩu lớn nhất, đạt 22,8 triệu USD, tăng 32,6% so cùng kỳ 2020, trong đó, 99,7% là thịt lợn sữa đông lạnh với thị trường xuất khẩu duy nhất là Hồng Kông. Chế phẩm từ thịt động vật đạt 21,6 triệu USD, tăng 46,2%, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 42,2% thị phần, tăng 214,0% so cùng kỳ 2020; sang Nhật Bản chiếm 36,0%, tăng 22,7%; sang Hồng Kông chiếm 15,2%, giảm 8,1%; sang Papua New Guinea chiếm 3,6%, tăng 4,4%.

Thịt gia cầm đứng thứ ba với 15,2 triệu USD kim ngạch, tăng 11,6%, trong đó, xuất khẩu sang Hồng Kồng chiếm 57,4% thị phần, tăng 21,9% so cùng kỳ 2020; sang Trung Quốc chiếm 20,5%, tăng 28,1%; sang Hàn Quốc chiếm 11,2%, tăng 899,0%; sang Thái Lan chiếm 10,3%, tăng 4.838,2%. Các mặt hàng thịt khác (thịt trâu bò, cừu dê, phụ phẩm sau giết mổ…) có kim ngạch không đáng kể.

Đối với mặt hàng mật ong, xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2021 đạt 83 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó, 91% xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Xuất khẩu mặt hàng tơ tằm đạt 46 triệu USD, chiếm 13,9% thị phần xuất khẩu, tăng 87,1% so với cùng kỳ 2020. Ấn Độ là thị trường chủ yếu chiếm 90% thị phần. Đây cũng là thị trường chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu da và lông vũ của Việt Nam. Xuất khẩu trứng các loại cũng có sự tăng trưởng.

Ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)- nhận định, một tín hiệu tích cực là xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thời gian qua đã tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, việc đa dạng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi còn khiêm tốn. Nguyên nhân do còn thiếu các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nói chung và các nước nhập khẩu nói riêng nên chưa có nhiều thị trường xuất khẩu và diện mặt hàng xuất khẩu mở cửa được, bao gồm các mặt hàng chủ yếu trong nhóm sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt, trứng.

Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên khâu lưu thông quốc tế bị ách tắc, các chi phí xuất khẩu tăng, đặc biệt là chi phí vận tải quốc tế. Tình trạng thiếu nhân lực, tăng chi phí sản xuất trong nước… cũng ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực sản xuất chăn nuôi phục vụ xuất khẩu.

Riêng đối với xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc không tăng trưởng như kỳ vọng khi ký kết Nghị định thư về xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, nguyên nhân do đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng làm giảm nhu cầu tại thị trường tiêu thụ nội địa Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới cả quá trình lưu thông và vận chuyển qua biên giới với Trung Quốc đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam.

Cần đồng bộ các giải pháp

Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của chúng ta còn khiêm tốn là do công tác chế biến của chúng ta vẫn còn yếu và thiếu. Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tính đến hết năm 2020, cả nước có 104 cơ sở, nhà máy quy mô công nghiệp của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, số còn lại có quy mô nhỏ lẻ. Trong số các cơ sở quy mô công nghiệp, có, 64 nhà máy và sản phẩm thịt chế biến khoảng trên 1,1 triệu tấn, chiếm 19-20% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước; 5 nhà máy và sản lượng trứng chế biến khoảng trên 100 triệu quả trứng/năm, chiếm khoảng 0,7% tổng sản lượng trứng sản xuất trong nước. Các sản phẩm trứng chế biến chủ yếu là trứng muối, bột trứng, trứng đóng hộp; 35 nhà máy chế biến sữa, trong đó phần lớn các nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến, tính tự động hóa cao.

Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE là yếu tố tiên quyết trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục thú ý - nhận định, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại nhiều địa phương chưa được chú trọng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH De Heus - cho hay, về phát triển thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp sớm xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Hiện, doanh nghiệp cũng nắm được nhu cầu thịt gà của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rất lớn. Do vậy, doanh nghiệp kiến nghị các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT như Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Thú y cần thông tin cho doanh nghiệp về nhu cầu cũng như hỗ trợ đàm phán xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nói chung và thịt gà nói riêng.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65% giá thành sản xuất của ngành chăn nuôi, trong khi nguyên liệu sản xuất thức ăn phải nhập khẩu làm tăng chi phí, sản phẩm khó cạnh tranh. Vấn đề của ngành chăn nuôi là giảm giá thành sản phẩm, thay đổi công nghệ chăn nuôi, nâng cao chất lượng con giống, trình độ chăn nuôi người nông dân.

Để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, cần có một chiến lược xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng mã định danh với vùng chăn nuôi, thúc đẩy liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ nông dân.

Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), về Dự án vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để phục vụ xuất khẩu, đối với vùng chăn nuôi gia cầm, đến năm 2025, xây dựng vùng của 9 huyện an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố thiết lập vùng đệm 23 huyện. Các huyện này từng bước xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, sau đó tiến tới áp dụng và đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE.

Đối với vùng chăn nuôi gia súc, đến năm 2025, xây dựng vùng của 7 huyện an toàn với các bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, dịch tai xanh, dịch tả lợn cổ điển. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố thiết lập vùng đệm 18 huyện. Các huyện này cần xây dựng để đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, sau đó tiến tới áp dụng và đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch