Xuất khẩu mật ong gặp khó, người nuôi lao đao
- Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở Dăk Lăk đang phát triển rất mạnh theo hướng nuôi công nghiệp. Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Dăk Lăk, năm 2000 toàn tỉnh có 32.403 đàn ong, đến năm 2011, đã tăng lên gần 200.000 đàn ong. Sản lượng mật ong nơi đây chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ (chiếm 80%), và các nước Nhật, Đức, Canada, Hàn Quốc… với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt trên 15 triệu USD, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu.
Giá giảm, khó bán
Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ việc 600 tấn mật ong Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị trả lại do họ cho rằng, trong mật ong của Việt Nam có chứa chất carbenzamin (thuốc trừ nấm), việc xuất khẩu các sản phẩm từ ong (mật, phấn hoa, sữa ong chúa…) cũng trở nên khó khăn hơn.
Anh Nguyễn Công Tuấn, người nuôi ong ở xã Ea Dar, huyện Ea Kar cho biết, mấy năm gần đây, giá mật ong có tăng lên, song, các mặt hàng khác để chăn nuôi ong như đường, phấn hoa… cũng tăng giá theo, nếu tính toán kỹ, việc nuôi ong mật hiện nay có lãi rất ít. Mặc dù sang đầu năm nay, gia đình anh chưa quay được lứa mật nào để bán, nhưng trước những thông tin trên, anh Tuấn lo ngại, nếu giá mật ong giảm xuống dưới mức 30.000 đồng như những năm trước đây, thì người nuôi ong sẽ bị lỗ nặng.
Việt Nam đứng thứ sáu về xuất khẩu mật ong Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ sáu về xuất khẩu mật ong trên thế giới và thứ hai ở châu Á. Năm 2011, ngành nuôi ong sản xuất được trên 30.000 tấn mật ong, trong đó xuất khẩu đạt 27.000 tấn với kim ngạch gần 80 triệu USD. Từ nhiều năm nay, bộ Công thương đã có công văn yêu cầu ngăn chặn hiện tượng vận chuyển bất hợp pháp mật ong của Trung Quốc vào Việt Nam nhằm trà trộn với mật ong Việt Nam để xuất khẩu. |
Anh Trần Anh Dũng, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cho biết, anh đang nuôi 500 đàn ong và hiện đang tiến hành quay mật. Hơn một tháng trước, việc bán các sản phẩm từ ong không khó, thương lái về tận nhà để thu mua, nhưng hiện nay, người dân muốn bán phải đem đến các đại lý lớn, được các chuyên viên kiểm tra gắt gao về chất lượng sản phẩm rồi mới thu mua, từ đó giá mật ong cũng bị các đại lý ép từ 32.000 đồng/kg xuống còn 30.000 – 31.000 đồng/kg. Hơn nữa, nếu là mật, phấn mà ong hút từ hoa điều, càphê, thì các đại lý không mua, vì họ nghi ngờ có chứa chất trừ nấm, thuốc bảo vệ thực vật mà người dân phun trên cây trồng. “Việc đàn ong bay đi tìm mật, chúng có thể đậu trên cây này, cây kia thì không ai kiểm soát hết được, nếu người thu mua kiểm tra phát hiện có mật từ hoa điều, càphê, họ sẽ không thu mua thì người nuôi ong đành không biết bán cho ai”, anh Dũng than.
Mở rộng thị trường
Ông Lê Tấn Lực, phó tổng giám đốc công ty cổ phần ong mật Dăk Lăk, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu mật ong lớn nhất ở Tây Nguyên hiện nay, chia sẻ: “Bên cạnh việc chờ đợi phương hướng giải quyết của các cơ quan chức năng cũng như sự thoả thuận của phía đối tác nhập khẩu là Mỹ, doanh nghiệp chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người nuôi ong bằng cách tìm thị trường xuất khẩu khác như: các nước Trung Đông, châu Á”.
Ông Đinh Quyết Tâm, chủ tịch hiệp hội Nuôi ong Việt Nam cho biết, những năm gần đây, việc xuất khẩu mật ong Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ do gần 90% sản lượng mật ong xuất sang thị trường này. “Hiệp hội cùng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Mỹ để cùng nhau thuyết phục phía đối tác điều chỉnh tỷ lệ chất carbenzamin cho phù hợp chung giữa hai nước, bởi vì hiện nay thế giới cho phép dư lượng carbenzamin có trong mật ong là 0,01mg/kg, nhưng riêng thị trường Mỹ thì carbenzamin bị cấm hoàn toàn”, ông Tâm cho biết.
Theo SGTT