Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ: Rất khả quan
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 8/2021 đạt 540 triệu USD, giảm 24,2% so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 6,4 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020.
Lý giải về điều này, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST)- cho biết, đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn về nhiều nhưng do quan ngại giá cước vận tải đang ngày càng tăng cao. Hơn nữa, tình hình trở nên nghiêm trọng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại các trung tâm chế biến gỗ lớn, đặc biệt là Bình Dương và Đồng Nai kể từ hồi tháng 4/2021. Theo VIFOREST, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường này, nhất là dịp cuối năm. Tổng nhu cầu có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm 2021 khi nền kinh tế này được dự báo tăng trưởng 6-7%. Do đó, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ rất khả quan nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Đáng chú ý, theo nguồn mordorintelligence.com, dự báo thị trường đồ nội thất gia đình của Mỹ tăng trưởng bình quân 3% trong giai đoạn năm 2021-2026 với động lực chính là thị trường xây dựng nhà đang cải thiện. Điều này thúc đẩy việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ và đồ gỗ trong khi nguồn cung tại Mỹ không đáp ứng được nhu cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh, ngành gỗ cũng tiềm ẩn những rủi ro khác. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa cảnh báo 10 sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có 3 mặt hàng gỗ gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, các mặt hàng này đều xuất khẩu tới thị trường Mỹ.
Các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ cần chú trọng giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ để ngăn chặn các hành vi gian lận có thể xảy ra nhằm hưởng lợi từ chênh lệch thuế.
Để xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp ngành gỗ cần nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, gia tăng chế biến sâu, xây dựng thương hiệu để vừa tăng giá trị, vừa tránh các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. |