Xuất khẩu giấy sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến
Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, mặc dù hai tháng gần đây kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy đều sụt giảm (tháng 6 giảm 9,24% với 100,33 triệu USD; tháng 7 giảm 14,80% tương ứng 85,48 triệu USD), nhưng nếu tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7/2018 kim ngạch tăng mạnh 59,1% so với cùng kỳ đạt 591,5 triệu USD.
Xuất khẩu giấy sang Trung Quốc tăng gấp 11 lần
Việt Nam xuất khẩu giấy và sản phẩm chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, đây là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất 27,2%, đạt 160,9 triệu USD, tăng gấp hơn 11 lần (tức tăng 1028,97%) so với cùng kỳ 2017.
Nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng nhập mặt hàng giấy từ Việt Nam bởi nguồn cung cho thị trường nội địa thiếu hụt do Chính phủ nước này siết chặt chính sách môi trường đối với các doanh nghiệp bản địa và nhập khẩu nguyên liệu tái chế, khiến hàng loạt nhà máy giấy và bột giấy ô nhiễm tại đây đóng cửa.
Bên cạnh đó, từ giữa tháng 7/2018 thiếu hụt nguồn cung giấy thu hồi (RCP) nên các nhà sản xuất hàng đầu tại Trung Quốc đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động trong thời gian còn lại của tháng 7 và tháng 8. Một lượng lớn RCP giá rẻ được chuyển hướng sang các nước Châu Á khác. Các nhà sản xuất lớn tại Trung Quốc cũng đang cân nhắc khả năng đầu tư vào sản xuất bột giấy tái chế ở nước ngoài.
Đứng thứ hai sau Trung Quốc là các nước Đông Nam Á nói chung, chiếm 25,4% tỷ trọng đạt 150,2 triệu USD, tăng 41,19%. Mỹ là thị trường đạt kim ngạch đứng thứ ba 70,6 triệu USD, tăng 15,92%, kế đến là Đài Loan (Trung Quốc) tăng 9% đạt 52,6 triệu USD.
Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2017, ngoài thị trường Trung Quốc có mức độ tăng đột biến thì xuất sang Philippines và Hàn Quốc cũng tăng mạnh. Cụ thể Philippines gấp 2,47 lần (tức tăng 147,65%) đạt 17 triệu USD; Hàn Quốc gấp 2,25 lần (tức tăng 125,67%) đạt 12,8 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang các nước EU giảm mạnh 24% chỉ với 2,1 triệu USD.
Triển vọng xuất khẩu giấy tiếp tục tăng mạnh
Dự báo, những tháng còn lại của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm vẫn giữ được đà tăng trưởng, trong đó đặc biệt là thị trường Trung Quốc, khi mà Chính phủ nước này tiếp tục cấp giấy phép nhập khẩu RCP, mặc dù trên thực tế số lượng nhập khẩu đã bị suy giảm xuống mức rất thấp do bị kiểm tra nghiêm ngặt.
Theo nguồn tin từ RISI News, ngày 16/7/2018 Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã phê chuẩn hạn ngạch RCP lên tới 832.976 tấn trong lần cấp phép thứ 16 cho nhập khẩu chất thải rắn trong năm 2018. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 13,45 triệu tấn RCP được cấp phép nhập khẩu.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng gây ảnh hưởng đến ngành giấy tại Trung Quốc. Khi Mỹ đưa ra đề xuất khoản thuế nhập từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm bột giấy và giấy thì ngành thuế của Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các ngành có quy mô lớn như bột giấy thương phẩm, giấy bao gói hoặc giấy in, giấy viết vì được nhập khẩu rất ít từ Trung Quốc, nhưng tác động ngược lại khi Trung Quốc trả đũa áp dụng mức thuế đối ứng với các sản phẩm này khi chúng được nhập từ Mỹ vào Trung Quốc. Điều này sẽ càng làm giấy RCP tại thị trường Trung Quốc thiếu hụt nghiêm trọng bởi các quy định giảm nhập khẩu.
Vì vậy, thay vì nhập từ Mỹ mà Trung Quốc sẽ tăng nhập từ các nước khác trong đó Việt Nam một trong những thị trường chủ lực.
Không chỉ tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mà thị trường xuất khẩu mặt hàng giấy của Việt Nam ngày càng được mở rộng hơn nữa, khi hiện nay làn sóng tẩy chay đồ nhựa dùng một lần, đặc biệt là ống hút nhựa đang lan tỏa khắp toàn cầu, mở ra cơ hội và triển vọng cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế bao gồm ống hút thủy tinh và ống giấy hút.
Cụ thể, hãng cà phê Starbucks (Mỹ) đã thông báo sẽ ngưng sử dụng hoàn toàn ống hút nhựa ở tất cả 28.000 cửa hàng của hãng trên toàn cầu vào năm 2020 và thay thế nó bằng các nắp đậy có khe hở có thể tái chế hoặc bằng các ống hút thân thiện với môi trường (như ống hút bằng giấy).
Tại Hàn Quốc , Bộ Môi trường nước này đăng công báo dự thảo sửa đổi Luật thúc đẩy tái sử dụng và sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Trong đó, có nội dung cấm các siêu thị trong nước sử dụng túi nilon dùng một lần, hiện đang được bán với mức giá nhất định cho người mua. Trung bình người dân Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 414 túi nilon/năm. Sự thay đổi này dự kiến được thực thi từ cuối năm 2018. Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch xúc tiến phương án nâng tỷ lệ bắt buộc tái sử dụng túi nilon, hiện đang ở mức 66%, lên 90% vào năm 2022.
Ngoài ra, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã có những biện pháp nhằm chống lại tình trạng ô nhiễm nhựa. Theo Đài Sky News, Australia, Zimbabwe và Đài Loan nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ cấm sử dụng túi nhựa.
Khi ống hút nhựa bị tẩy chay thì đó cũng là lúc các sự lựa chọn thay thế nó bao gồm ống hút giấy và ống hút thủy tinh có cơ hội trỗi dậy.