Thứ sáu 29/11/2024 07:39

Xuất khẩu chè dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong quý II/2021

Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc, Ấn Độ tăng rất mạnh. Dự báo, xuất khẩu chè của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong quý II/2021.

Xuất khẩu chè tăng mạnh ở các thị trường trọng điểm

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 36,9 nghìn tấn, trị giá 58,85 triệu USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.595,6 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu chè được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong quý II/2021

Xuất khẩu chè tới thị trường Pakistan chiếm tỷ trọng cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2021, đạt 10,34 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, tăng 12,4% về lượng và tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc, Ấn Độ tăng rất mạnh. Xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 3,5 nghìn tấn, trị giá 5,3 triệu USD, tăng 175,2% về lượng và tăng 151,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu chè tới thị trường Ấn Độ đạt 805 tấn, trị giá 1 triệu USD, tăng 1.157,8% về lượng và tăng 1.091,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu tiêu thụ chè tại các thị trường này tăng mạnh, nhưng nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Hội đồng chè Ấn Độ, thu hoạch chè của Ấn Độ đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thời tiết hạn hán khắc nghiệt đang diễn ra tại nhiều đồn điền chè của Ấn Độ. Ít nhất 90 vườn chè ở Assam đã ngừng hoạt động bởi lệnh giãn cách, nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, để tránh lây lan sang thêm 800 đồn điền của khu vực này. Đây là khu vực sản xuất chè lớn của Ấn Độ. Theo các nhà sản xuất chè của Ấn Độ, nếu tình hình dịch khó kiểm soát sẽ dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh mạnh làm đình trệ mùa thu hoạch và đẩy chi phí tăng cao. Ấn Độ vừa là thị trường tiêu thụ lớn vừa là thị trường xuất khẩu chính. Trong bối cảnh trên, Ấn Độ phải tăng mạnh nhập khẩu chè để tiêu thụ và tái xuất khẩu.

Đáng chú ý, thị phần chè của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu chè của Đức tăng. Số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay, Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 17 cho Đức trong 2 tháng đầu năm 2021, đạt 46 tấn, trị giá 158 nghìn Eur (tương đương 193 nghìn USD), tăng 91,2% về lượng và tăng 59,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong quý II/2021

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 5 thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên thế giới là EU 27, Pakistan, Hoa Kỳ, Nga và Anh, với tỷ trọng chiếm 41,8% tổng trị giá nhập khẩu chè trên thế giới năm 2020.

EU 27 là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường tiềm năng và quan trọng của ngành chè Việt Nam, bởi nhu cầu nhập khẩu chè của EU 27 rất lớn, nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp. EU 27 với dân số có khoảng 500 triệu người, chiếm 7,3% toàn thế giới, có mức thu nhập cao. Hiện nay, mặt hàng chè được người dân EU rất ưa chuộng do nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Khí hậu của EU không phù hợp để trồng chè, do vậy nguồn chè trên thị trường EU chủ yếu do nhập khẩu. Nguồn chè sau khi nhập khẩu sẽ được chế biến và tái xuất. Hiện nay, EU vẫn chủ yếu nhập khẩu chè đen nhưng xu hướng thị trường ngày càng nghiêng về chè xanh hơn chè đen. Tuy nhiên, EU 27 là thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu chè vào thị trường này cần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm để đáp ứng nguồn cung cho thị trường này.

Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 2 thế giới, nhu cầu tiêu thụ chè tại Pakistan lớn và đang ngày càng tăng cao chủ yếu là do thị hiếu uống chè đã tồn tại từ nhiều năm nay tại đất nước này. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2018-2020 Pakistan tăng mạnh nhập khẩu chè từ Việt Nam, với tốc độ trưởng bình quân là 18,2%/năm. Tuy nhiên so với nhu cầu nhập khẩu, trị giá nhập khẩu chè của Pakistan từ Việt Nam còn khá khiêm tốn, vẫn còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này.

Anh tăng mạnh nhập khẩu chè từ Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 19,8%/năm. Tỷ trọng nhập khẩu chè của Anh từ Việt Nam cũng tăng. Chè là một loại đồ uống đặc trưng của người Anh, khoảng 100 triệu tách chè được thụ hàng ngày tại Anh. Nhu cầu nhập khẩu chè của Anh ngày càng tăng, tuy nhiên lượng chè trồng không nhiều nên Anh phụ thuộc vào nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Anh.

Dự báo, xuất khẩu chè của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong quý II/2021 nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu. Cụ thể, xu hướng tiêu thụ chè tăng do người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn. Những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… cũng mang lại thuận lợi cho ngành chè trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện tại. Nhiều quốc gia sản xuất chè bị gián đoạn sản xuất, do dịch Covid-19 và thời tiết khô hạn, làm chuỗi cung ứng chè trên thị trường toàn cầu gián đoạn, trong đó đáng chú ý là thị trường Ấn Độ, thị trường sản xuất chè và tiêu thụ chè lớn trên thế giới, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và hạn hán tại các khu vực trồng chè chính.

Tuy nhiên, điều kiện thời tiết thuận lợi tại các thị trường sản xuất chè chính như Kenya và SriLanka khiến nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu vẫn chưa tăng nhiều, dẫn đến giá xuất khẩu giảm do áp lực nguồn cung tăng. Điều này cũng là yếu tố chính cản trở tốc độ tăng trưởng ngành chè của Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục

Ngày 1-2/12, sẽ diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm