Xử lý hình sự 10 người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 gửi Quốc hội.
Nhiều vụ án được Chính phủ đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội như vụ FLC |
Báo cáo cho biết, trong năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, việc tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Qua đó góp phần phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Qua công tác thanh tra, các cơ quan đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 538 vụ, 306 đối tượng. Ngoài ra, các cơ quan khác cũng chuyển 98 vụ, 135 đối tượng; khởi tố 16 vụ, 68 đối tượng.
Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 32 vụ, 55 đối tượng.
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 840 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo cáo cũng chỉ ra, năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng. Cụ thể, Đà Nẵng có 5 người với số tiền 131,1 triệu đồng; Trà Vinh có 2 người với số tiền 4,2 triệu đồng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 5 người với 105,43 triệu đồng; Bà Rịa - Vũng tàu có 2 người với 20 triệu đồng.
Có 52.716 cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác. Cùng với đó, có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng: Xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.
Chính phủ tiếp tục xác định phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Trong đó, Chính phủ nêu rõ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…
Trong năm 2023, triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng. Cụ thể như lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…
Đồng thời, tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.
Cùng với đó, đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra; kịp thời chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.