Xử lý chất thải rắn tại Hải Dương: Ưu tiên giải pháp thân thiện môi trường
Theo ông Vũ Mạnh Tưởng - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương - cho biết, theo ước tính năm 2020, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh của 405 cơ sở (có khối lượng chất thải phát sinh lớn) khoảng 1.941.660 tấn, đa phần là được thu gom, xử lý theo quy định. Còn lượng chất thải rắn sinh hoạt của toàn tỉnh Hải Dương vào khoảng 463.550 tấn, nhưng chỉ có khoảng 139.000 tấn (tương đương 30%) được xử lý theo hình thức đốt tiêu hủy, phần còn lại là chôn lấp.
Tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại cung cấp cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng |
“Giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt đang là vấn đề được chúng tôi ưu tiên. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án), đây là căn cứ, tiền đề để Hải Dương thu hút các nguồn lực đầu tư cho xử lý và quản lý chất thải rắn trong thời gian tới” – ông Tưởng cho biết.
Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 11 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, đầu tư, xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, 33 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động nhưng chỉ có 3 CCN có hệ thống xử lý nước thải. Theo quy định hiện hành, trên địa bàn tỉnh hiện có 36 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc môi trường tự động, đến nay các đơn vị đã thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động theo quy định.
Về cơ bản, chủ các cơ sở sản xuất đều có ý thức đối với việc thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trong quá trình hoạt động. Chất thải được sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng, đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường. Điển hình tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, 100% lượng tro, xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất được thu gom, tái sử dụng và được giao cho các cơ sở sản xuất tro bay làm phụ gia cho bê tông. Ngoài ra, vải vụn của các cơ sở may mặc đã được xử lý trong lò hơi; các loại chất thải bìa carton, nilon, sắt thép, xỉ than… đều được thu hồi tái chế, tái sử dụng.
Tuy nhiên, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hoạt động dịch vụ, áp lực các nguồn thải tới môi trường đặc biệt là chất thải rắn ngày càng gia tăng. Theo tính toán, đến năm 2025 lượng chất thải rắn sinh hoạt của Hải Dương sẽ tăng lên, ước khoảng 506.255 tấn/năm và đến năm 2030 có thể lên đến 636.925 tấn/năm.
Để giải quyết vấn đề chất thải rắn, cũng theo ông Vũ Mạnh Tưởng, Hải Dương đã dành 731,422 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để triển khai các hạng mục mà đề án đề ra.
Hải Dương sẽ triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Ưu tiên lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hoàn thiện các quy định, chính sách về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.