Xu hướng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
Thị trường điều tra ngày càng mở rộng
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, giai đoạn 2001-2011 là 50 vụ, giai đoạn 2012-2022 có 172 vụ (tăng gần 3,5 lần). Tính đến nay, tổng số các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do các nước khởi kiện là 234 vụ việc. Riêng trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương tăng cường cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Ảnh: Hoàng Hà |
Nêu rõ xu hướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong các vụ việc, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là Hoa Kỳ. Riêng năm 2022, Hoa Kỳ khởi xướng 11/35 vụ việc điều tra lẩn tránh với Việt Nam (gần 1/3 tổng số vụ việc điều tra lẩn tránh thuế của nước ngoài với Việt Nam từ trước tới nay).
Ngoài ra, thị trường điều tra ngày càng mở rộng. Theo đó, hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh hay Mexico cũng bắt đầu điều tra do việc thực thi các FTA dẫn đến xuất khẩu của ta tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.
Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. “Hiện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời… mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập...”- bà Nga thông tin.
Đặc biệt, xu hướng điều tra ngày một khắt khe hơn. Cụ thể, các vụ việc điều tra yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra như về thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung thông tin, khó xin gia hạn, thay đổi tiền lệ trong việc xác định xuất xứ. Đồng thời mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường. Do một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá, cập nhật danh sách nước thay thế, dự luật bổ sung quy định không lựa chọn nước thực thi yếu làm nước thay thế…
Các hoạt động cảnh báo của Bộ Công Thương
Trước xu thế phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, bà Nguyễn Hằng Nga cho hay, Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của gần 40 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo khoảng hơn 10 mặt hàng (đã có các sản phẩm bị điều tra như gỗ dán, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, tủ gỗ, pin mặt trời, ghim dập…)
Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên trao đổi với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến vụ việc và thống nhất phương án ứng phó. Nhờ vậy, doanh nghiệp và hiệp hội nắm bắt được kịp thời diễn biến vụ việc, chia sẻ thông tin và cùng phối hợp lên phương án ứng phó chung. Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại tăng cường tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể. “Cục Phòng vệ thương mại đã cung cấp thông tin sớm giúp các doanh nghiệp hiểu được nguyên tắc, quy trình điều tra, các công việc cần thực hiện và các kịch bản có thể xảy ra để doanh nghiệp xây dựng chiến lược ứng phó”- bà Nga cho biết.
Cùng với đó, Cục Phòng vệ thương mại đẩy mạnh công tác trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn với Cơ quan điều tra nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định. Bộ Công Thương nhiều lần có thư/bản đệ trình/bài tham luận nêu quan điểm và lập luận đối với vụ việc điều tra. Đặc biệt, xem xét khởi kiện các biện pháp phòng vệ thương mại của cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định. Như tiến hành các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tôm và cá tra - basa… Việt Nam khi bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá không phù hợp với quy định của WTO và đạt được kết quả tích cực.
Trên cơ sở danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài... Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm bị cảnh báo có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp vụ việc xảy ra. Giúp doanh nghiệp Việt Nam không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp, góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Kết quả tích cực đạt được theo bà Nguyễn Hằng Nga là trong nhiều vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá, hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn không bị áp thuế (cá tra - basa, tôm, lốp xe). Hoa Kỳ kết luận Việt Nam không trợ cấp và không định giá thấp tiền tệ với lốp xe trong thời kỳ rà soát gần nhất; không lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép dây không gỉ dạng tròn và một số sản phẩm ống thép; pin mặt trời xuất khẩu sang Hoa Kỳ được miễn thuế phòng vệ thương mại tạm thời.
Đặc biệt, hầu hết các vụ việc Canada điều tra chống trợ cấp đều có kết luận doanh nghiệp Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc trợ cấp ở mức độ không đáng kể. Hay Úc đã chấm dứt lệnh áp thuế/nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp (ống thép chính xác, dây đai thép phủ màu, ống đồng, nhôm ép, amoni nitrat...). Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… cũng lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với ván gỗ MDF, nhựa PET, tôn lạnh… Hoa Kỳ giảm thuế chống bán phá giá dành cho các doanh nghiệp mật ong từ mức 410,93% - 413,99% (sơ bộ) xuống gần 7 lần còn 58,74% - 61,27% (chính thức). Mức thuế chống bán phá giá chính thức do Mexico áp dụng với thép mạ giảm so với sơ bộ...