Phòng vệ thương mại là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia. Các biện pháp này được sử dụng nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, bao gồm các biện pháp truyền thống như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, và hình thức mới như chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Ngoài việc bảo vệ các ngành sản xuất nội địa khỏi cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại còn được sử dụng như hàng rào ngăn cản gia nhập thị trường.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại. |
Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), số lượng các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh. Nếu giai đoạn năm 2001-2011 chỉ có 50 vụ, thì giai đoạn 2012-2022 đã tăng 3,5 lần lên 172 vụ.
Tính đến cuối năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 239 vụ việc điều tra. Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU) và Ấn Độ vẫn là những thị trường thường xuyên áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc Việt Nam ngày càng bị “soi” nhiều ở các thị trường nước ngoài sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, đánh giá và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Đồng thời, tổ chức các buổi hội thảo nhằm trang bị kiến thức phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Quang cảnh hội thảo "“Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” tại TP. Cần Thơ. |
Nằm trong chuỗi hoạt động trên, ngày 10/4, Sở Công Thương TP. Cần Thơ phối hợp Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu đúng về tầm quan trọng của phòng vệ thương mại. Từ đó, chủ động nâng cao mức độ hiểu biết và tích cực phối hợp, liên kết với nhau để bảo vệ lợi ích của chính mình và lợi ích chung của ngành sản xuất trong nước, giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ từ các nước nhập khẩu.
Tại hội thảo này, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, nhấn mạnh: Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng với việc ký kết 16 FTA với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chủ động Phòng vệ thương mại được xem là một biện pháp quan trọng giúp các quốc gia vừa hội nhập vừa bảo vệ nền kinh tế sản xuất trong nước, là trụ cột để đảm bảo thương mại công bằng, bình đẳng và ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước.
Theo ông Trung, ngoài sự hỗ trợ của các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục trang bị kiến thức, thông tin về phòng vệ thương mại, yêu cầu của các FTA thế hệ mới để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Tại hội thảo, diễn giả trình bày những nội dung: Tình hình xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản của Việt Nam, rào cản tại một số quốc gia nhập khẩu chủ yếu và khuyến nghị đối với địa phương; tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại; thực tiễn ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại nước ngoài và giải quyết tranh chấp đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam…
Diễn giả cũng trao đổi, trả lời những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như gợi ý doanh nghiệp về những giải pháp phòng vệ thương mại...