Xóm trọ lao động mưu sinh ngày cuối năm
Trời còn chưa sáng, mưa lạnh, trong phòng trọ nhỏ hẹp, chị Trần Linh Sang (SN1976, trọ tại xóm trọ tổ tự quản số 2, 16 Phan Văn Định, Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã lục đục dậy để chuẩn bị đưa những gói bánh thửng (bánh thuẫn) xuống chợ Hòa Khánh (Liên Chiểu) để bán.
Không về quê đón Tết, ở lại xóm trọ, chị Sang cố gắng làm nhiều bánh, tranh thủ Tết để kiếm thêm thu nhập |
Quê tại Bình Định, những đã vài năm nay, chị và con nhỏ không về quê đón Tết. Dịch bệnh là một phần, một phần nhiều hơn là kinh tế không cho phép. Công việc không có, con nhỏ sức khỏe không tốt, học mót được nghề làm bánh thửng, chị Sang làm và đổ bánh để bán kiếm thu nhập trang trải, trông nuôi con qua ngày.
Những ngày này, buổi sáng đưa bánh đi bán, buổi chiều muộn chị Sang lại về nổi lửa làm bánh đến tận khuya để cố thêm được nhiều mẻ bánh, hi vọng vào mùa cao điểm Tết sẽ kiếm thêm được nhiều hơn, vừa lo cho con nhỏ có một cái Tết đủ đầy.
Hơn chục kg bánh thửng sáng nay đưa đi bán là thành quả chị Sang thức đến nửa đêm hôm trước để làm xong. “Ráng làm để sáng nay đi bán sớm. Nay là buổi họp chợ cuối cùng của năm rồi, cũng chỉ bán đến trưa là chợ nghỉ, cố bán hết để chiều mới về dọn dẹp phòng ốc rồi đón Tết”, vừa nói, chị Sang vừa sắp bánh từ xe lên rổ mang đi mời.
Bán hết rổ bánh, chị Sang sẽ có thêm vài ba trăm nghìn để lo Tết cho con |
Chị Sang cho biết, mỗi kg bánh thửng bán ra có giá 100.000 đồng, trừ mọi chi phí nếu bán hết số bánh đã làm chị cũng kiếm được vài ba trăm nghìn. “Ngày Tết nên bán được vậy, chứ ngày thường cũng chỉ được dăm bảy kg mỗi ngày thôi. Bây giờ bán Tết cũng khó khăn lắm, bánh mình làm ra mẫu mã không đổi, người dân giờ lại chuộng nhiều bánh kẹo sản xuất công nghiệp hơn”, chị Sang chia sẻ.
Cũng cùng xóm trọ và ở lại Đà Nẵng ăn Tết, cô gái trẻ Trần Thị Ngọc Hương (SN 1999, quê tại Quảng Trị) cùng nhiều chị em là công nhân trong chuyền làm việc tại một công ty trong KCN Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cùng đăng ký tăng ca làm việc những ngày sát Tết. “Theo quy định thì chúng tôi đã được nghỉ Tết từ ngày hôm qua (30/1, tức 28 tháng Chạp). Nhưng đều là lao động ngoại tỉnh, lo ngại dịch bệnh nên không về quê, ở lại phòng trọ cũng không làm gì nên chúng tôi đăng ký tăng ca, vừa là gặp nhau cuối năm vừa có thêm thu nhập (lương tăng ca gấp 2 – 3 lần ngày thường)”, Ngọc Hương nói và cho biết, tăng ca đến chiều nay (29 tháng Chạp), cô chính thức 3 ngày nghỉ Tết ở phòng trọ và sẽ đi làm sớm trở lại vào mùng 4 Tết (ngày 4/2 Dương lịch) để nhận lương tăng ca cũng như mừng tuổi của công ty.
Năm nay, rất nhiều công nhân, người lao động ngoại tỉnh tại TP. Đà Nẵng như chị Sang không thể về quê đón Tết vì kinh tế khó khăn |
Hơn 20 năm mở xóm trọ, bà Vũ Thị Nhu (73 tuổi) – Tổ trưởng tổ công nhân tự quản khu nhà trọ số 2, Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) chưa thấy năm nào có đông công nhân, người lao động tại xóm trọ ở lại đón Tết như năm nay. “Gần một nửa số phòng có người ở lại đón Tết. Có phòng là do ở quá xa, hay có con nhỏ, nhưng phần nhiều là do ngại dịch bệnh và kinh tế khó khăn nên không thể về quê để sum họp với gia đình”, bà Nhu cho hay.
Thành viên tổ tự quản số 2 (Liên Chiểu, Đà Nẵng) trang trí xóm trọ để đón Tết |
Tết này là năm thứ 2 con trai bà Nhu không thể về nhà đón Tết (đang học tập và sinh sống tại Lào) do dịch bệnh. Cùng cảnh có con không thể về sum vầy, chứng kiến một năm đầy khó khăn của công nhân, người lao động tại xóm trọ tự quản số 2 khi liên tục phải nghỉ việc ở nhà do dịch bệnh, bà Nhu mong muốn làm một việc gì đó để những người lao động xa quê không về sẽ cảm nhận được không khí ngày Tết đoàn viên dù ở trọ xa nhà.
Bà Nhu cho biết, những ngày cận Tết bà và những thành viên trong xóm trọ đã cùng nhau dọn dẹp, trang trí cờ hoa cho xóm trọ, vừa để thêm phần rực rỡ vừa để mọi người có cảm xúc Tết đang đến gần.
Bà Vũ Thị Nhu tặng bánh trưng, bánh tét cho công nhân, người lao động ở trọ không về quê đón Tết |
“Tôi cùng mọi người đã gói một nồi bánh chưng, bánh tét lớn để tặng mỗi phòng ở lại 1 cặp bánh để ai cũng cảm nhận được năm cũ đã qua và đón năm mới nhiều hi vọng. Mong rằng, năm mới dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, công nhân, người lao động sẽ có việc làm ổn định, thường xuyên để cái Tết tới người người, nhà nhà sẽ được sum họp”, bà Nhu chia sẻ và cho biết, đêm nay, bà cùng thành viên xóm trọ sẽ cùng ngồi lại để họp mặt buổi tất niên, khép lại một năm khó khăn, bỏ qua những lo âu để sẵn sàng đón năm mới.