Thứ hai 23/12/2024 18:31

Xét xử vụ Việt Á: Nhiều người được triệu tập vắng mặt

Ngày 3/1, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh cùng 35 bị cáo hầu tòa trong vụ án Việt Á.

Một bị cáo vắng mặt vì vừa sinh con

Đây là vụ đại án đầu tiên xét xử cùng lúc 3 cựu Ủy viên Trung ương và gần 19 cựu cán bộ của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương. Tất cả đều liên quan chuỗi sai phạm của Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt, khởi nguồn từ đầu năm 2020.

Chủ tọa phiên tòa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử

Để phục vụ quá trình xét xử, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã triệu tập 39 nhân chứng, 140 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 24 nguyên đơn dân sự.

Tuy nhiên, nhiều người được triệu tập vắng mặt, trong đó có đại diện CDC tỉnh Hà Giang, Nam Định, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận và đại diện một số bệnh viện…

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử thông báo bị cáo Trần Thị Hồng có đơn xin xét xử vắng mặt và xét thấy sự vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng đến quá trình xét xử chung của phiên tòa.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập nhưng vắng mặt, quá trình diễn ra phiên tòa nếu thấy cần thiết tòa sẽ triệu tập. Do đó phiên tòa vẫn diễn ra bình thường.

Các bị cáo tại phiên tòa

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định, bị cáo Trần Thị Hồng biết rõ việc các cơ sở y tế công lập ứng kit test xét nghiệm để sử dụng trước, rồi thông đồng hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán sau theo giá Công ty Việt Á đưa ra là trái quy định của pháp luật.

Tuy vậy, bị cáo Trần Thị Hồng vẫn thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Vũ Đình Hiệp về hợp thức các thủ tục, hồ sơ để Công ty Việt Á trúng thầu, được thanh quyết toán trái quy định của pháp luật.

Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bị cáo Hồng đã giúp sức cho bị cáo Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại 11 tỉnh, gồm: Hải Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Ninh Thuận, Hà Nội, Hà Giang, Bình Dương, Nghệ An, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 254 tỷ đồng.

Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương

Tại phần thủ tục tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Xuân Thăng, đều khai rành mạch, rõ ràng. Các bị cáo này phản xạ, trả lời lưu loát trước câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Lợi nhuận nghìn tỷ và những túi quà triệu đô

Theo cáo trạng, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát nên Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phòng chống dịch. Sau đó, việc nghiên cứu kit test Covid-19 được giao Học viện Quân y chủ trì với kinh phí 18,9 tỷ đồng.

Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test, sau đó chiếm đoạt, biến test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để Việt Á được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tham gia phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài.

Bị cáo Phan Quốc Việt

Phan Quốc Việt sau đó đề nghị Nguyễn Văn Trịnh, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế... can thiệp, tác động, chỉ đạo để Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test Covid-19.

Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ.

Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán, tặng, ứng trước hơn 8,3 triệu kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; được thanh toán hơn 4,5 triệu kit test với tổng giá trị hơn 2.257 tỷ đồng.

Hành vi của Phan Quốc Việt và đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước thiệt hại hơn 402 tỷ đồng tại 19 tỉnh, thành khi mua kit test đã bị nâng khống giá.

Trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ tổng cộng hơn 106 tỷ đồng cho các cựu quan chức.

Cụ thể, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ với tổng số tiền là 3 triệu USD (tương đương hơn 68 tỉ đồng) và 4 tỷ đồng. Trong đó, Việt đã đưa hối lộ Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long 4 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế 100.000 USD.

Bên cạnh đó, Việt còn chi tiền "cảm ơn" cho ông Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ 200.000 USD; Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ 200.000 USD; Phạm Công Trạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 50.000 USD.

72 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 38 bị cáo

Giai đoạn điều tra truy tố, ông Nguyễn Thanh Long được đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Ông có có thành tích xuất sắc trong công tác, đã nộp khắc phục số tiền nhận từ Phan Quốc Việt.

Bên cạnh đó, có 32 trong tổng số 38 bị cáo đã nộp khắc phục với tổng số tiền trên 77 tỷ đồng và 2,65 triệu USD. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Long nộp 2,25 triệu USD; Trịnh Thanh Hùng nộp 8 tỷ và 8 sổ tiết kiệm có 4 tỷ; Nguyễn Minh Tuấn nộp 300.000 USD; Phạm Duy Tuyến nộp hơn 12 tỷ đồng...

Phiên tòa diễn ra trong 20 ngày từ ngày 3/1/2024 (bao gồm cả ngày nghỉ). Hội đồng xét xử gồm 5 thành viên, trong đó có 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân và do Thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa phiên tòa. Ngoài ra, còn 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân dự khuyết.

Tại phiên tòa, có 72 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 38 bị cáo; 24 nguyên đơn dân sự; 139 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… được triệu tập tới tòa. Trong số 24 nguyên đơn dân sự, có 17 CDC của 17 tỉnh, thành phố và đại diện 2 Sở Y tế tỉnh, 5 bệnh viện đa khoa.

Nguyên Thảo
Bài viết cùng chủ đề: Đại án Việt Á

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Xử phạt Công ty Cổ phần Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa

Tiktoker Dưỡng Dướng Dường tiếp tục bị phạt

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế đối với Công ty Cổ phần Trung Sơn

Bạc Liêu: Công ty Vật liệu xây dựng Phúc Lộc Thọ bị cưỡng chế thuế

Phú Quốc: Đầu tư tiền tỷ cải tạo vườn hoang, bị kiến nghị phạt tội huỷ hoại đất

Thực hư thị trường cao hổ bạc tỷ - Bài 1: Những toán người bí ẩn trong ngôi nhà cổ

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh: Công ty Công Ích quận 7 thu lợi gần 6 tỷ đồng không đúng quy định

Hà Nội: Làm rõ trách nhiệm vụ tưới xăng đốt quán cà phê khiến 11 người tử vong

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam

Hà Nội: Nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người tử vong có 2 tiền án

Đắk Lắk: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế

Lào Cai: Công khai thông tin 7 doanh nghiệp, hợp tác xã nợ thuế trên địa bàn huyện Bắc Hà

Quảng Bình: Khởi tố 7 bị can hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 70 kg pháo hoa nổ lậu

Thanh Hóa: Bắt 5 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ liên tỉnh

Thanh Hóa: Kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Thạch Thành

Lào Cai: Tạm hoãn xuất cảnh 3 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế

Nghệ An: Phá đường dây mua bán trái phép hơn 500 tài khoản ngân hàng để lừa đảo và rửa tiền

Vĩnh Long: Công ty Cổ phần cảng Bình Minh nợ thuế hơn 36 tỷ đồng

Đồng Tháp: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn Công ty TNHH Nguyễn Vang do nợ thuế hơn 9,6 tỷ đồng