Xem xét cho xuất khẩu Vaccine dịch tả lợn châu Phi sản xuất trong nước
Thông tin về việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi ở quy mô rộng được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết tại cuộc họp đánh giá kết quả giám sát chất lượng và sử dụng vaccine này tổ chức ngày 15/7/2023 tại Hà Nội.
Thời gian qua, căn bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho chăn nuôi nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Thế giới hơn 100 năm nay chưa có vaccine phòng bệnh. Việt Nam với quyết tâm cao đã chủ động nghiên cứu, sản xuất. Hai doanh nghiệp Việt Nam là Công ty Thuốc thú y Trung ương - NAVETCO và Công ty AVAC Việt Nam - AVAC đã chủ động vào cuộc với quá trình tổ chức nghiên cứu hết sức công phu qua nhiều khâu thẩm định nghiêm túc tại nhiều hội thảo và các hội đồng.
Để cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm cho thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lựa chọn phương án giao cho các doanh nghiệp chủ động để có vaccine sản xuất sớm, nhanh vì qua xem xét, đánh giá, các doanh nghiệp này đủ trang thiết bị, đội ngũ dày kinh nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến |
“Trong thời gian ngắn nhất tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônsẽ có văn bản gửi các tỉnh về tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi để quy mô tiêm rộng rãi hơn, lớn hơn, đạt hiệu quả tốt hơn”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đồng thời việc triển khai tiêm vaccine này ở quy mô rộng giúp cho ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển vững chắc hơn cũng như khẳng định thêm vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt sẽ có thêm công cụ để Việt Nam có thể trao đổi trong các đàm phán thương mại với một số nước.
Thông tin đưa ra tại cuộc họp trên cho biết, thời gian qua việc tiêm phòng thí điểm 600.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi trên diện hẹp của 2 Công ty NAVETCO và Công ty AVAC Việt Nam đã cho kết quả khả quan.
Theo đó, từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, NAVETCO đã cung ứng và phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát triển khai tiêm vaccine NAVET ASFVAC trên 7 quy mô đàn khác nhau từ 50 lợn/hộ đến 2.000 lợn/trại tại 132 cơ sở thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng số liều tiêm là 47.435 liều, trong đó tiêm có giám sát là 29.685 liều. Kết quả kiểm tra kháng thể sau tiêm đạt 85,5% đối với mũi 1 và 97,4% đối với mũi 2; tỷ lệ trung bình cả 2 mũi đạt 95,5%.
Đối với Công ty CP AVAC Việt Nam, từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023, Công ty AVAC đã triển khai tiêm phòng được 605.211 liều vaccine lợn thịt thuộc 596 trang trại, cơ sở có quy mô khác nhau tại tổng số 34 tỉnh, thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số liều vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE đã được triển khai tiêm phòng trên thực địa đạt 100,9% so với kế hoạch. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và Chi cục Thú y vùng VI cho thấy, lợn được tiêm vaccine có tỷ lệ kháng thể đạt 94,4%; lợn khỏe mạnh, phát triển bình thường, không phát hiện biểu hiện bất thường liên quan đến vaccine kể từ khi tiêm phòng cho đến lúc xuất bán.
Quang cảnh cuộc họp |
Đặc biệt, trong thời gian trên, phía Cộng hòa Dominica đề nghị Công ty NAVETCO tiếp tục hỗ trợ thêm 2.500 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC để tiêm mở rộng trong thời gian tới tại Dominica. Còn Cục Thú y Philippines đã đề xuất Chính phủ Philippines chính thức cho phép nhập khẩu và sử dụng 300.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE để phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang gây thiệt hại nặng nề cho nước này.
Cũng từ tình hình thực tế triển khai tiêm có giám sát hai loại vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi nêu trên, Cục Thú y kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cho phép sử dụng rộng rãi và xuất khẩu vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty NAVETCO và vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC theo 2 phương án.
Phương án 1 theo đó Công ty NAVETCO, Công ty AVAC chỉ được phép sử dụng, xuất khẩu các lô vaccine dịch tả lợn châu Phi do công ty sản xuất sau khi có kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu về các chỉ tiêu vô trùng, thuần khiết, an toàn và hiệu lực của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I.
Phương án 2 là Công ty NAVETCO, Công ty AVAC được phép sử dụng, xuất khẩu vaccine và chủ động tự chịu trách nhiệm kiểm nghiệm chất lượng toàn bộ các lô vaccine sản xuất. Công ty NAVETCO, Công ty AVAC chủ động, tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng vaccine cung ứng trên thị trường, có cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng vaccine khi cung ứng trên thị trường, có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng khắc phục trong các trường hợp rủi ro không mong muốn xảy ra khi sử dụng vaccine.
Các chuyên gia Hoa Kỳ trong quá trình phối hợp triển khai nghiên cứu sản xuất vaccine của hai doanh nghiệp Việt Nam đều đánh giá cao quá trình nghiên cứu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi thương mại tại Việt Nam, bảo đảm đúng yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới.
Đặc biệt, việc sử dụng phương pháp công cường độc để đánh giá hiệu lực của vaccine trên các nhóm lợn là rất công phu, chính xác, ngay cả tại Hoa Kỳ hay các nước Châu Âu cũng không có quy định áp dụng.
Trong tháng 8/2023, các chuyên gia Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sang Việt Nam để hoàn thiện hai loại vaccine dịch tả lợn châu Phi nói trên của Việt Nam.