Nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực
Nhấn mạnh vai trò quan trọng mà hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, không phân biệt đối xử, cởi mở, công bằng, toàn diện, bình đẳng và minh bạch với cốt lõi là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phát huy vai trò trong việc giải quyết các thách thức hiện đại mà các hệ thống lương thực và nông nghiệp phải đối mặt, bao gồm cả biến đổi khí hậu và những tác động của nó.
Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới (MC13) diễn ra tại Abu Dhabi, Thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) |
Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) diễn ra tại UAE, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, cải thiện hoạt động và khả năng chống chịu lâu dài của thị trường toàn cầu về lương thực và nông nghiệp, với mục tiêu tăng cường an ninh lương thực toàn cầu, đảm bảo rằng ngành nông nghiệp tiếp tục đóng góp tích cực vào việc giải quyết các thách thức bền vững.
Đáng chú ý, tại MC13 các thành viên xác nhận cam kết tiếp tục đàm phán về nông nghiệp theo mục tiêu cải cách của Điều 20 của Hiệp định về Nông nghiệp (AoA) và các Quyết định của Hội nghị MC13 cũng như các quyết định khác về nông nghiệp. Do đó, các thành viên sẽ nỗ lực thảo luận, phối hợp để đạt được tiến bộ rõ rệt và đạt được những đồng thuận từ đó tiến tới Hội nghị MC14.
Cũng tại Hội nghị MC 13, Tổng Giám đốc WTO kêu gọi Trưởng đoàn các nước tái khẳng định tầm quan trọng của thị trường nông sản, nguồn nguyên liệu, từ đó có thể dự đoán cũng như tạo thuận lợi cho thương mại các mặt hàng này, như việc giảm thời gian, chi phí thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu... phù hợp và tuân thủ các thỏa thuận của WTO. Các thành viên cũng có thể xem xét thảo luận về vai trò và tác động của các biện pháp hạn chế thương mại nhằm nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu hậu quả, rủi ro tiêu cực đối với các nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.
Tổng Giám đốc WTO kêu gọi Trưởng đoàn các nước tái khẳng định tầm quan trọng của thị trường nông sản, nguồn nguyên liệu... để tìm đến sự đồng thuận, tiến tới Phiên bế mạc MC13 |
WTO nhấn mạnh rằng thương mại, cùng với sản xuất trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an ninh lương thực toàn cầu ở mọi khía cạnh và tăng cường dinh dưỡng. Đồng thời, khẳng định những tiến triển trong đàm phán giữa các thành viên trong WTO sẽ góp phần tăng cường an ninh lương thực toàn cầu. Do vậy, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala kêu gọi các Bộ trưởng nỗ lực hơn nữa và tìm ra sự đồng thuận về các vấn đề khác nhau vẫn còn tồn tại.
Tăng cường đàm phán về hỗ trợ trong nước
Tại Hội nghị MC13, các thành viên cam kết tiếp tục và tăng cường đàm phán về hỗ trợ trong nước với mục tiêu giảm mạnh và dần dần sự hỗ trợ gây bóp méo thương mại một cách công bằng và bình đẳng; khuyến khích chuyển sang hỗ trợ ít bóp méo thương mại hơn và cải thiện các nguyên tắc phù hợp với mục tiêu cải cách trong AoA. Các cuộc đàm phán này sẽ duy trì sự đối xử đặc biệt và phân biệt của các thành viên đang phát triển và kém phát triển nhất, bao gồm việc hỗ trợ đất cho các nông dân thu nhập thấp hoặc nghèo, cũng như khuyến khích đa dạng hóa hoạt động nông nghiệp để thay thế việc trồng cây trái phép.
Cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường
Việc tiếp tục và tăng cường đàm phán về tiếp cận thị trường nông sản với mục tiêu giảm mạnh và dần dần các biện pháp bảo vệ một cách công bằng, cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường cho tất cả các thành viên, cải thiện các quy định theo mục tiêu cải cách trong AoA và trong một khung thời gian hợp lý là những vấn đề rất quan trọng. Các cuộc đàm phán này sẽ xem xét lợi ích của các thành viên xuất khẩu và sự nhạy cảm của các thành viên nhập khẩu, bao gồm những vấn đề không liên quan đến thương mại.
Bảo đảm tín dụng xuất khẩu
Các thành viên khẳng định cam kết đảm bảo việc thực thi và giám sát hiệu quả Quyết định Bộ trưởng Nairobi về Cạnh tranh Xuất khẩu (WT/MIN(15)/45-WT/L/980), bao gồm việc xem xét và tìm hiểu về cách mà Ủy ban Nông nghiệp (CoA) cập nhật các yêu cầu hiện tại về tính minh bạch và nỗ lực cải thiện tỷ lệ phản hồi đến bảng câu hỏi về cạnh tranh xuất khẩu. Điều này có xét đến hạn chế về năng lực của thành viên là các nước đang phát triển, cũng như nhu cầu và hoàn cảnh của các nước kém phát triển nhất và các nước đang phát triển phải nhập khẩu thực phẩm.
Bên cạnh đó, các thành viên đồng ý tiếp tục đàm phán nhằm tăng cường các quy định về tín dụng xuất khẩu, bảo đảm tín dụng xuất khẩu hoặc các chương trình bảo hiểm, các doanh nghiệp thương mại nhà nước xuất khẩu nông sản và viện trợ thực phẩm quốc tế để ngăn chặn việc lách luật cam kết loại trừ các khoản trợ cấp xuất khẩu bằng cách sử dụng các giao dịch phi thương mại.
Sự quan tâm đặc biệt sẽ được dành cho nhu cầu và hoàn cảnh của các nước kém phát triển nhất và các nước đang phát triển phải nhập khẩu thực phẩm, bao gồm việc khám phá các cách để tăng cường sự minh bạch trong việc thực thi Quyết định Bộ trưởng Nairobi về Cạnh tranh Xuất khẩu đối với các quy định cụ thể cho các nước kém phát triển nhất và các nước đang phát triển phải nhập khẩu thực phẩm về tín dụng xuất khẩu, bảo đảm tín dụng xuất khẩu hoặc chương trình bảo hiểm và viện trợ thực phẩm quốc tế.
Giải quyết các vấn đề về bông
Các cuộc đàm phán sẽ tìm cách giải quyết đáng kể các vấn đề của ngành bông. Bên cạnh đó, giảm đáng kể các rào cản về tiếp cận thị trường. Các thành viên được khuyến khích mở cửa thị trường để cho phép mua sắm nhiều hơn các sản phẩm và phụ phẩm từ bông từ các nước kém phát triển có sản xuất bông, bao gồm thông qua việc cung cấp quyền truy cập vào thị trường miễn thuế, miễn hạn ngạch. Nâng cao sự minh bạch và giám sát các biện pháp thương mại liên quan đến bông ảnh hưởng đến thị trường bông toàn cầu thông qua các Cuộc thảo luận đặc biệt về Bông được tổ chức hai năm một lần.
Các thành viên nhấn mạnh vai trò trung tâm của Cơ chế Tham vấn Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về bông như một diễn đàn quốc tế, tập hợp các bên liên quan của cộng đồng bông toàn cầu (các công ty công và tư, và các cơ quan đa phương) và là một nền tảng tham vấn đa phương hiệu quả cho sự phát triển của các nước kém phát triển có sản xuất và xuất khẩu bông. Vì vậy, các thành viên cũng đồng ý phối hợp các biện pháp viện trợ phát triển bông, theo dõi các dự án đã hoàn thành và đang tiếp diễn, và sử dụng nền tảng này để thu hút và kích hoạt thêm đầu tư nhằm thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiếp thị bông cũng như các sản phẩm phụ từ bông trong các nước kém phát triển.
Theo lịch trình dự kiến trước đó, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới (MC13) diễn ra từ 26 đến 29/2/2024 tại Abu Dhabi, Thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tuy nhiên, trong này 29/2, Hội nghị đã bước vào ngày cuối cùng theo lịch trình song các thành viên của WTO đã không đạt được sự đồng thuận về các vấn đề then chốt như: Trợ cấp đánh bắt cá, nông nghiệp và việc hoãn áp thuế quan đối với các giao dịch kỹ thuật số... Vì lý do này, Phiên họp bế mạc Hội nghị đã bị hoãn lại. Dự kiến, Phiên bế mạc chính thức của Hội nghị MC13 sẽ diễn ra vào chiều nay, thứ Sáu, ngày 1/3/2024 lúc 14h, theo giờ UAE, tức là vào 17h theo giờ Việt Nam. |