Vùng đất 3 lần được phong danh hiệu Anh hùng
Hơn 4.700 người ngã xuống trong chiến tranh
Xã Bình Dương là một vùng cát ven biển nằm về phía Đông huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Trong kháng chiến chống Pháp, xã Bình Dương vừa được coi như vọng gác tiền tiêu ở phía Đông Thăng Bình, vừa là bàn đạp để cán bộ và lực lượng vũ trang vào công tác ở vùng địch tạm chiếm. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ “Chiến tranh đặc biệt” đến “Chiến tranh cục bộ” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”, Bình Dương được mệnh danh là “vùng đất thép”.
Căn cứ lõm Bàu Bính |
Căn cứ lõm Bàu Bính là địa danh điển hình cho lòng quả cảm, kiên trung, sự hy sinh vô bờ bến của quân dân ta trong cuộc chiến đấu giành lại tự do. Với diện tích vài km vuông nhưng từ năm 1971 đến cuối năm 1972, đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường giữa bốn bề là quân Mỹ. Lực lượng vũ trang đã cùng nhân dân chiến đấu với tinh thần thép “Một tấc không đi, một li không rời”, giữ vững trận địa.
Căn cứ lõm Bàu Bính là bàn đạp tiến công kẻ thù ở nhiều mặt trận, đưa phong trào cách mạng phát triển rộng khắp. Hoạt động của căn cứ lõm Bàu Bính đã góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến đến ngày thống nhất đất nước.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhân dân Bình Dương đã đóng góp cho kháng chiến 130 tấn lương thực, sản xuất 2.672 quả mìn các loại, lập 4.523 mét rào chiến đấu, tổ chức đánh, tập kích, phục kích 1672 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương hàng nghìn tên địch, bắn cháy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và máy bay của địch. Có 2.500 nam thanh, nữ tú tòng quân tham gia bộ đội và bổ sung cho lực lượng của huyện, tỉnh và Quân khu 5. Kết thúc chiến tranh, nơi đây có hơn 4.700 người ngã xuống, xã có 1.347 liệt sĩ, gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Kết thúc chiến tranh, nơi đây có 4.700 người ngã xuống trên tổng số 7.869 người dân toàn xã |
Với tinh thần chiến đấu kiên cường, Bình Dương đã được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969 và năm 1972. Tiếp đó, với những nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương trong thời bình, năm 1985 xã Bình Dương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Những kết quả đó là nền tảng, động lực để Bình Dương mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua.
“Phủ xanh vùng cát đỏ”
Sau ngày hòa bình lập lại, với tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, quân và dân Bình Dương đã ra sức tăng gia sản xuất, từng bước đẩy lùi khó khăn.
Từ vùng cát cháy, bà con mở rộng diện tích phủ xanh đất trống, đồi trọc; tích cực khai hoang, phục hóa hàng trăm héc-ta ruộng đất; làm giao thông thủy lợi; mua sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ để bám biển, khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Thành Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, sau ngày giải phóng quê hương, xã nhà chung tay xây dựng quê hương, phát triển kinh tế xã hội. Hiện, trên địa bàn xã có nhiều dự án đầu tư phát triển về du lịch, các ngành nghề thương mại dịch vụ, là khu vực định hướng kinh tế trọng điểm của vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam. Thu nhập bình quân năm 2022 trên 48 triệu đồng/người/năm.
Sau ngày giải phóng quê hương, xã Bình Dương từng ngày "thay da đổi thịt" |
Hiện nay, trên địa bàn xã Bình Dương có 11 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, ghi dấu về một thời đấu tranh oanh liệt, như: Khu Căn cứ lõm Bàu Bính, Trạm tiền tiêu Đồi Sanh, cơ sở cách mạng nhà ông Phan Tựu, di tích lịch sử Hàng Cừ-Cây Mộc...
“Để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các thế hệ trẻ đối với mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương cho thế hệ trẻ. Nâng cao hiểu biết của học sinh về lịch sử địa phương, bồi đắp cho các em tình yêu quê hương đất nước, tự hào về những trang sử vẻ vang của địa phương cũng như dân tộc. Đồng thời, theo định hướng của xã sẽ phát triển thương mại dịch vụ, trong đó phát triển du lịch cộng đồng gắn kết hợp với du lịch lịch sử", Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương.
Cuối năm 2022, nhân kỷ niệm 50 năm Căn cứ lõm Bàu Bình (1972-2022), Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức ra mắt 2 tác phẩm "Bình Dương - vùng đất anh hùng" và "Vườn mẹ". Những tác phẩm có mặt trong 2 cuốn sách viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến tranh nhân dân ở xã Bình Dương. Không chỉ đề cao sức người, sức của, sự hy sinh cao cả của nhân dân mà còn khơi dậy niềm tự hào với các câu chuyện được kể về những con người nơi đây bình dị mà vĩ đại... |